Âm nhạc
Tuổi càng già thường hay nghỉ về quá khứ, về những việc đã
trải qua để chiêm nghiệm rồi rút ra cho mình được điều gì hữu ích. Sau
30/4/75, sau cuộc bể dâu to lớn, người dân Sài Gòn bắt đầu làm quen với
một cuộc đời mới, quá nhiều cái mới lạ làm đão ngược cuộc sống thường
ngày.
Cái mới thay cái cũ, người ta vứt bỏ, lên án, chê bai rất
nhiều khi vứt bỏ không thương tiếc cái cũ.. Bao công sức trí tuệ của
người làm ra cái cũ thành công cóc, họ đành thu người ngồi một góc cúi
mặt nhìn người vứt bỏ đứa con tinh thần mà mình vắt hết sinh lực tạo ra.
Vừa nhìn người ta vứt, vừa nghe người ta chửi. Trong những cái cũ bị
vứt đi có một cái gọi là nền âm nhạc trước năm 1975 của miền Nam VN.
Cấm nhạc
Câm, cấm ráo hết! Tất cả những bài nhạc của đế quốc, của Mỹ, Ngụy (cách
gọi chế độ cũ của người chiến thắng). Lý do: là nhạc lai căng rậm rực,
đồi trụy, phản động, ủy mị nhằm ru ngủ thanh niên dẫn tới hư hỏng vân
vân và vân vân. Không biết còn thiếu bao nhiêu từ xấu xa dành cho nhạc
chế độ cũ. .Thành ra toàn bộ các băng, dĩa nhạc, bản nhạc của nền âm
nhạc Miền Nam biến mất khỏi thị trường. Không còn ai bày bán, không còn
quán xá nào dám mở, Một số bị người dân vội vã vứt bỏ vì sợ chính quyền
mới. Một số được cất dấu.để dành nghe lén trong nhà.
Nhạc Cách Mạng
Ừ cấm thì cấm, cấm thì không nghe nữa, nhưng con người phải có âm nhạc
chứ! vậy nghe cái gì? Có ngay! nhạc Cách mạng, nhạc đỏ của xứ ta và cả
xứ người nhưng không được gọi là lai căng vì đó là nhạc oragine của mấy
xứ trùm vô sản.Những bài nhạc mà khi nghe bạn phải mở to mắt, ngẩng cao
đầu, ưởng ngực và quan trọng nhất là phải tự hào (tự hào về cái gì thì
tới giờ nhiều người cũng không biết) Nghe đi! các bạn nghe để thành
người tốt, nghe để yêu lãnh tụ của ta lẫn của xứ khác nữa. nghe để yêu
những chiến công hiển hách, yêu công sức của người nông dân, công nhân
đang đổ mồ hôi trong các hệ thống quốc doanh. Nghe để yêu tất cả những
gì XHCN yêu và ghét tất những gì CNXH ghét..Hồi đầu thì nghe cũng được
vi mới, lạ. Những giai điệu nhạc nghe hùng hồn, rộn rã,cao vút thay cho
những bài nhạc cũ buồn bã, ngọt ngào, êm ái. Tình yêu nam nữ trở thành
loại xa xỉ. nếu có yêu thì yêu trên công, nông hay chiến trường. Tình
yêu giai cấp, yêu tổ quốc XHCN, yêu lãnh tụ, yêu chính quyền thay cho
tình yêu cá nhân. Yêu và biết ơn người dưng thay cho yêu người thân của
mình..
Nghe đi nghe lại hoài cũng chán, dân tình ở không bèn mổ xẻ
lời hay ý đẹp của nhạc rồi kiến cò. Có bài lời nhạc đại loại ca ngợi cô
gái đi tải đạn ra chiến trường. Mấy anh Hai SaiGon nghe rồi rờ râu
dưới càm xong phán:
-Hay thiệt! đạn đại bác nặng mấy chục ký một
trái, đàn ông như mình vác trên vai đi trên đường nhựa cũng le lưỡi, sụm
bà chè nói gì vác đi xuyên rừng, lội bưng, vượt núi băng đèo.. Vậy mà
còn thương nó như đứa trẻ, vác cả ngày ở trên vai. Cha nội nầy chắc chưa
bào giờ vác thử nên tưởng tượng vác đạn giống vác em lên giường á!
Phán xong cười hô hố, rồi mấy anh hát nhại:
-Chim kêu, chim kêu, chim kêu nghe buồn thấy mẹ chim kêu hoài chết mẹ nghe chim.
Không biết mấy anh muốn chết mẹ ai nhưng tội nghiệp con chim, đã là
chim thì phải hót phải kêu. Chim không còn kêu không còn hót chỉ là con
chim chết.,
Dân sài Gòn xếp hàng mua gạo theo tiêu chuẩn, không có
gạo thì thay bằng bột mỳ, khoai sắn hay bo bo. Trong lúc chờ tới lượt
mình, ngồi chốc ngóc lơ láo nhìn trời nghe bài “Đảng cho ta mùa Xuân”
đang phát ầm trên mấy cái loa phát thanh của phường treo trên cột đèn
đường cũng qua thời giờ.. Con nít cũng có nhạc riêng cho con nít, , ngủ
mơ thì mơ gặp vĩ nhân chứ đừng mơ cái tầm thường nhưng khi hỏi mấy đứa
nhỏ hôm qua mơ thấy gì? Tụi nó bảo mơ thấy được dắt đi Sở thú coi cọp,
coi voi… và được ăn cà rem giải nhiệt chứ không mơ thấy gì nữa.
Âm
nhạc là nghệ thuật, nghệ thuật làm rung động người nghe. Người nhạc sỹ
viết nhạc đều hướng tới phục vụ nghệ thuật, từ cảm hứng của mình viết ra
bài nhạc sao cho hay nhất đạt tính nghệ thuật cao. Có nhiều bài nhạc
của những nhạc sỹ nỗi tiếng nhưng kén người nghe vì họ không phục vụ ai
hết mà chỉ phục vụ cho nghệ thuật. Ngoài ra các nhạc sỹ có thể viết
những bài nhạc phục vụ cho số đông người nghe để giải trí và cũng để họ
kiếm tiền để nuôi nghẽ thuật. Âm nhạc thuần túy chỉ là vì nghệ thuật,
chứ không phục vụ cho chính trị hay có chức năng tuyên truyền theo ý đồ
của một nhóm người nào. Loại nhạc đó thì miển bàn, sẽ chết yểu, người
thích nghe chắc không nhiều, bằng chứng là các bài nhạc đó ít người mua.
Loài người tôn vinh nghệ thuật âm nhạc nên mới có những viện hàn lâm âm
nhạc, học viện âm nhạc những nhạc sỹ tài năng mãi mãi được người ta tôn
vinh và nhớ đến. Những bài nhạc của họ sáng tác luôn được người nghe
nhạc yêu thích.
Thời đó mở tivi, hay radio lên dân ghiền nhạc chỉ
nghe nhạc CM, vô nhà hát, các nhà văn hóa, đâu đâu cũng vẫn là nhạc như
vậy, cùng thể loại, nội dung na ná như nhau, thấy chán ngắt, không thật,
không sát với đời sống. Thành ra nhạc cũ dần sống lại cho dù bị cấm
nhưng dân tình vẫn tìm cách nghe, lục lọi tìm kiếm chuyền tay nhau nghe.
Bởi vậy Sài Gòn mới có cái chợ Huỳnh thúc Kháng chuyên bán những băng
nhạc cũ dù bị cấm, lâu lâu bị chính quyền ruồng tịch thu nhưng chợ vẫn
tồn tại và phát triển cho tới bây giờ. Bởi vậy cái hay luôn tồn tại
trong lòng người cho dù người ta tìm cách bỏ với nhiều biện pháp chuyên
chế cũng không bỏ được. Chỉ có thể thay thế cái hay cũ bằng cái hay hơn
chứ đừng hòng thay cái hay bằng cái dỡ ẹt..