24 tháng 3, 2012

Tháng ba nóng nực

Mới giữa tháng ba mà thật nóng nực và oi bức. Ngày đã gần tàn hòang hôn đang đến, cảnh chạng vạng nhá nhem tối đã trùm lên trên xóm nhỏ đa sự.
 Không khí trong xóm bớt nóng thì các ông các bà cư dân của xóm đa sự bắt đầu kéo ghế ra ngồi trước hiên nhà tán chuyện và hóng chút gió trời cho mát sau khi chịu trận cái nóng đổ lửa ban trưa. Cứ cách đoạn vài nhà là có một nhóm người ngồi, dài cho hết con hẻm. Có nhóm vài người đàn bà vừa tán chuyện vừa tranh thủ làm việc nhà, người thì lặt rau cho buổi cơm chiều, người đút cơm cho con cháu vừa làm vừa cười nói rôm rả.
 
Có nhóm vài người đàn ông ngồi bắt chéo chân trên ghế đẩu quanh một cái ghế nhỏ có để ấm trà và vài cái tách. Họ vừa uống trà phì phèo thuốc lá bàn chuyện thời sự. Còn có những nhóm bày ra việc ăn nhậu, khề khà chai rượu đế với dĩa đồ nhấm là cóc ổi, những nhóm nầy là ồn ào nhất. Mạnh nhóm nào bàn chuyện nhóm đó, kẻ nói lớn người nói nhỏ. Nhóm nào nói nhóm đó nghe, không làm phiền nhau, hồn ai nấy giữ. Không khí trong xóm đa sự nhộn hẳn lên trái với buổi trưa vắng ngắt như chùa Bà Đanh. Đi một đoạn ngang qua một nhóm là nghe một chuyện. Có mấy ông lôi chuyện vợ giết chồng bằng thuốc độc làm xôn xao dư luận mới đây ra tám. Mấy ông than thở: Mới vừa rồi một bà chơi đốt chồng như quay heo, giờ thêm bà hạ thủ phu quân bằng thuốc độc... Chậc chậc! Đúng là thời buổi lộn đầu lộn đuôi. Họ vừa tán vừa suy đoán nguyên do, mỗi người mỗi ý, cười nói nhặng xị, cãi nhau chí chóe xong kết luận để kết thúc chuyện nầy trước khi qua chuyện khác rằng: Mấy ông về nhà coi chừng mấy bà, ráng mà giữ thân mình!

Còn bên mấy bà vẫn là bài ca quen thuộc: Giá cả cứ tà tà leo thang không xuống. Năm rồi vật giá lên cao ngất trời, năm nay không chịu xuống mà còn leo nữa. Đầu năm xăng tăng giá cái ào một lít thêm 3.000đ, dân Việt nghèo mà đổ xăng mắc như bên Mỹ. Gas vọt một phát lên nửa triệu một bình 12 kg, hết dám xài gas. Thứ gì cũng lên mà mấy ông chồng bất tài nhậu giỏi hơn làm không chịu đi kiếm thêm tiền bù cho trượt giá, cứ vậy chịu sao xiết? Tiền ít thì phải tiết kiệm, không thì lấy gì đắp vô? Vậy mà cho ăn cơm với tương, chao, tàu hũ thì bản mặt mấy ổng nhăn như cái bị.

Tuốt ở đằng kia, nhóm mấy ông già đang ngồi quanh uống trà bàn thời sự. Một ông giọng khàn khàn chửi đổng ông Bộ trưởng: Hồi hắn mới lên tuyên bố vun vít, nào là trãm tướng nầy, cắt chức tướng kia, chấn chỉnh nhân sự làm ăn cù nhây cù nhằn. Rồi ban lệnh xuống cấm cán bộ trong ngành mình chỉ huy đi đánh golf (?); kêu nhân viên đi làm bằng xe buýt,... mà không biết có ma nào chấp hành không? Có cán bộ nào được thưởng vì chấp hành lệnh không đi đánh gof, đi bằng xe buýt không? và có ông nào bị phạt vì không chấp hành lệnh không? Mấy lệnh cấm nầy giống như dân chém gió hù nhau, như Kim mao sư Vương Tạ Tốn đui mắt xách đao Đồ Long chém gió tứ phương, nghe gió rít ào ào mà không chết thằng tây nào hết. Hô hào cho đã, tưởng sao giờ hắn biểu dân đen đóng tiền để hắn bảo trì đường bộ (?), hay thiệt là hay? Mà ít gì? Một xe gắn máy cà tàng phải đóng từ 5 xị đến một chai, ăn cướp thì có! Ăn cướp có giấy đó nha. Rồi ông khác kêu ca: Mấy cái xe cùi bắp của minh giờ kêu bán 3 chai một chiếc... không thằng nào ngó, mà hắn bắt mình đóng mỗi năm 500,000 hỏi coi tức không? Rồi lấy cái kiếng lão đang đeo xuống chùi chùi, lau lau, vừa lau vừa nói: Mẹ bà! cái kiếng nầy tui mua ba bốn năm nay rồi, giờ bị trầy trụa, mờ câm đọc báo muốn đui con mắt. Mới vừa rồi ra tiệm kiếng tính thay cặp tròng, thằng cha chủ tiệm đòi một trăm ngàn cho một cặp... tui không đủ tiền xách về đeo tiếp. Hừm hừm! Một trăm ngàn kiếm hổng ra để thay cái kiếng xài mấy năm mà nó bắt tui đóng năm trăm ngàn cho cái xe cùi bắp, thiệt tình! Mà tui có đi đâu nhiều đâu mà làm hư đường? Một tháng đi vài lần, còn hằng ngày đi xe đạp không à!

Nói về tiền! Tiền với người nghèo quan trọng ra sao? Xin kể vài chuyện diễn ra hằng ngày như sau:
Ngoài đầu xóm có ông chạy xe ôm hàng ngày kiếm tiền chạy gạo ăn cho gia đình. Ông thường mua gạo ở cửa hàng A gần chỗ ông đậu xe đón khách. Mỗi lần mua vài ba ký gạo, mua quen mặt nên nhiều khi thiếu chịu hàng gạo được. Hễ mua thiếu đầu tuần là cuối tuần đem tiền trả, không sai hẹn bao giờ. Một hôm ông lại mua gạo ở cửa hàng B cách cửa hàng A vài chục mét. Khi xách gạo về ngang qua thì bà chủ cửa hàng A kêu lại chửi:
- Nè! Ông chơi gì kỳ vậy? không tiền thì chạy lại tui mua thiếu, giờ có tiền lại đằng kia mua là sao? Chơi vậy mà coi được hả?
Ông xe ôm trả lời tỉnh queo:
- Đâu có gì mà kỳ? Lúc mua thiếu tui hứa với bà là cuối tuần trả, giờ chưa tới cuối tuần, bà đâu có nói tui được? Còn tui mua đằng kia là vì người ta bán chỉ có mười một ngàn một ký à! bà thì bán tới mười hai ngàn lận, mua ba ký tui đỡ tốn ba ngàn, bà bán như người ta đi, tui không mua bà chửi tui chịu!
- Gạo mới xuống giá, đằng đó mới bổ gạo về nên mới bán rẻ. Gạo tui bổ mấy hôm trước còn cao giá dĩ nhiên tui phải bán hơn chút đỉnh. Mua bán phải có lúc nầy lúc nọ, vậy cuối tuần mang tiền lại trả và đừng có vác mặt lại đây mua thiếu nữa nha!
Hầm hè với nhau như vậy nhưng một lát sau, bà chủ cửa hàng gạo hạ giá xuống như người ta rồi réo ông xe ôm:
- Ê! xuống giá rồi đó nha, hôm nào mua thì ghé qua nha ông nội.
Còn đối với mấy bà? Có bà trong xóm đi chợ mua rau, chọn xong bó rau bỏ lên cân tính tiền ra là 7,600đ. Bà ta đưa 8,000đ rồi đứng chờ người bán rau thối tiền, dĩ nhiên là người bán không có thối lại 400đ. Bà bán hàng đưa cho bà khách 2 trái ớt hiểm nhỏ trừ cho 400đ. bà khách lắc đầu không chịu: 400đ mà chỉ có 2 trái ớt à? bà cắt cổ vừa thôi!
Bà bán cò kè rồi đưa thêm 2 trái ớt nữa, khách vẫn không chịu lấy 4 trái ớt mà đòi lấy cọng hành cọng ngò trừ 400đ. Lúc nầy bà bán lại không chịu vì cọng hành cọng ngò có giá hơn 400đ. Cả hai đôi co qua lại một chút, cuối cùng bà bán rau phải chiều lòng người khách.

Kể một vài chuyện thật diễn ra hằng ngày của người nghèo, để thấy rằng tiền bạc với người nghèo khó khăn vô cùng. Họ tính từng trăm đồng, từng ngàn đồng chứ đừng tính tới bạc chục ngàn. Nói gì tới bạc trăm ngàn mà là cả 500 ngàn đồng. Có lẽ mấy ông ngoại quan chức quen xài tiền tỷ nên thấy vài trăm ngàn chẳng nhằm nhò gì nên cứ thoải mái mà ra lệnh thu? Từ quan xuống dân là xa cả vạn dặm.

Trời đã tối hẳn, đèn đường lên tự bao giờ rồi. Câu chuyện của xóm đa sự dần cũng tàn, mọi người dần dần tản hàng ai về nhà nấy ăn cơm, coi tivi, ngó con cái học bài. không khí về đêm dịu mát lại, bớt oi bức, ngột ngạt. Làn gió nhẹ thổi ngang qua, gió như nghe chuyện gió cười khẽ trên hàng cây bên đường rồi cơn gió bay đi để lại không gian êm đềm trong bóng đêm cho cái xóm đa sự.
BQ - Ngày 22/3/2012

PHẢN HỒI
1/Chào bạn BQ!
Bạn có cách thể hiện những suy ghĩ, những cảm nhận của mình rất hay, hãy phát huy bạn nhé!
Đọc bài, tôi thấy không phải chỉ có NÓNG NỰC mà còn NÓNG LÒNG, NÓNG RUỘT,... vì cái gì cũng LÊN GIÁ, lại còn có nguy cơ phải đóng phí cho xe máy nữa! Người khá giả thì không đến nỗi nào, người nghèo khó mới thực sự là khốn đốn (?).
Hằng ngày nghe mấy người có điều kiện hơn, thu nhập cao hơn mình gấp mấy lần (không phải tôi nói BQ đâu nhé!) mà rên, than rát ruột luôn nên tôi hổng thèm than nữa, nhường hết cho họ. Giờ chỉ than một kiểu thôi: nếu không kẹt thằng nhóc nhỏ đang học chuyên ngành CNTT thì tôi đã cắt quách cái dv Internet rồi để khỏi tốn mấy trăm ngàn mỗi tháng (sẽ đi xài ké cơ quan hoặc nhà anh em, con cái)...
Phải tìm cách tự an ủi thôi ta oi!

BD
2/Bài bạn viết hay quá, tưởng chừng như đang được đi dọc theo con hẻm của " xóm đa sự " nghe thấy từng câu chuyện.
Bạn diễn đạt " đồng tiền quan trọng như thế nào " thật ý nghĩa và quá thực tế.
DL rất thích đoạn kết của Tháng Ba Nóng Nực. Cảm ơn bạn BQ nhiều.

Dạ Lý
3/Anh tac gia binhquan viet van hay qua, anh la nha van chu gi ? viet them nua nghen ah
Ái Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét