3 tháng 8, 2024

 Ông chợt tỉnh giấc, đưa mắt nhìn quanh nhà, không còn một ai. Mới hôm qua còn đông người, còn tiếng ê a rì rầm tụng niệm. Nay vắng lặng mình ông, nằm chèo queo nơi góc nhà trên cái chiếu cũ. Tất cả như vội vàng tan biến vào khoảng không gian chật hẹp, nóng bức, nặng mùi rêu mốc.

Ông nhìn bàn thờ để bài vị và di ảnh  vợ ông được kê dựa tấm vách giữa nhà. Không chút nhan khói, cái đèn dầu nhỏ cũng tắt tự khi nào rồi. Ông thầm nghỉ, mới thấy đó, nghe tiếng đó giờ thì không còn, không nghe, không biết cãi nhau với ai nữa bây giờ? Vợ chết-buồn hay không buồn? Ông cũng không biết nữa, ông chỉ thấy rằng từ đây    ông mãi mãi cô đơn trong cuộc đời rách nát còn lại của mình.

Rồi những đêm hè oi bức trôi qua, để cơn mưa đầu mùa rơi xuống, mùi đất xông lên xồng xộc xông vô nhà.  Cho mưa dầm tháng bảy trút nước  biến phố phường lai láng như sông. Đều đặn, người ta thấy ông      Đêm đêm   một mình ngồi nơi bệ cửa trông như hình nộm, ngoài đồng hình nộm đuổi chim, còn ông như hình nộm trông chờ. Chờ ai, chờ gì? Chỉ ông biết.

Hằng ngày ông xách xe ra đầu ngõ chạy xe ôm, cái nghề nầy ngày càng khó khăn. Chờ cả ngày, bất kể nắng mưa, có ngày được vài cuốc, có ngày trắng tay. Tiền kiếm được lo ngày hai bữa cho thân còn không xong, nói gì xa xôi. Tối về ngồi một mình, đôi khi nhớ tới chuyện ngày xưa, ngày còn chạy xe khá tiền. Ông thường cãi cọ với vợ chuyện đưa cho bà tiền nhiều, tiền ít. Rồi dần dần đưa ngày càng ít, tới lúc không còn đưa, hồi đầu bà còn cự nự, riết rồi bà im luôn.  Rồi thì việc ông, ông làm, còn bà cứ cần mẩn hằng ngày ngồi may, sửa quần áo cũ nơi đầu ngõ. Bà nấu cơm thì ông ăn, không nấu thì ông trụng mỳ gói bà mua để sẵn ăn qua bữa. Ông với bà như hai người xa lạ cùng trọ chung nhà. Giờ có muốn vậy cũng không được, ôi! Thời để nhớ đã qua.

Trong những tháng vừa qua từ khi vợ mất. Hai đứa con ông, thằng anh và con em có bồng bế vợ, chồng, con cái về thăm ông một hai lần. Chúng thắp bàn thờ mẹ nén nhang, nói qua quít với ông vài câu rồi đưa nhau đi biệt dạng. Con ông nghèo quá nên sao có thể nghỉ đến chuyện hiếu để? Ông nghỉ như vậy. Ông cũng chẳng có cho con cái gì nên sao đòi chúng cho mình? Dần dà, ông chợt nhận ra rằng công việc mưu sinh ngày càng bế tắc, đến nỗi có lúc nghỉ quẫn mình nên chết đi là hay nhất và ông trông chờ điều đó.

Rồi một đêm, bầu trời trong vắt, không một gợn mây với vô vàn sao sáng. Ông  ngủ thiếp đi trong đêm oi bức, mơ giấc mơ nhạt nhoà buồn tẻ. Ông chợt thức giấc lúc nữa đêm, nhận ra không gian trong nhà sao lạnh quá và  nhìn thấy vợ ông đang hiện diện ở đây. Bà đang ngồi trên cái giường cũ hồi trước bà nằm, đang dùng tay đấm đấm nơi thắt lưng hay đau nhức của mình. Rồi bà đứng lên chầm chậm đi loanh quanh trong nhà.

Hồn ma vợ ông, có thể gọi là vậy, cứ loanh quoanh trong nhà, rõ mồn một. Không một lần nhìn đến ông, không tiếng động và cũng không có vẽ gì hù dọa ghê rợn, giống như bà đi đâu mới về. Ông muốn hỏi bà vài câu, muốn giơ tay chào nhưng người cứ cứng đơ, nói bà không nghe, như không thấy ông chồng đang nằm chèo queo góc nhà. Bà cứ vậy mà đi, còn ông cứ nằm im mà quan sát cho tới lúc ngũ quên hồi nào  cũng không biết.

Từ đấy, ông vẫn thường gặp hồn ma bà vợ vào lúc nữa đêm, một hai tuần một lần, mưa hay không mưa. Có đêm trời mưa, bà vô nhà mà người ướt sũng, có đêm bà mặc áo mưa rồi cỡi áo mưa treo lên tường. Ma mà cũng bị ướt? ông ngạc nhiên tự hỏi? Hồi đầu ông cho là mình nằm mơ nhưng rồi ông tin rằng là hồn ma vợ mình về thật, không phải là mơ. Hồn ma đó cứ lập đi lập lại hành động quen thuộc, cứ đi tới đi lui rồi leo lên giường ngồi đấm đấm thắt lưng, mắt nhìn đâu đâu. Không trò chuyện, không buồn nhìn đến ông, không hú hét, dọa nạt, bay bay như mấy con ma trong phim kinh dị. Ông quen dần, mỗi lần cảm thấy không gian trong nhà trở lạnh là ông tĩnh giấc, có lúc ông chỉ mở mắt nhìn một chút rồi quay qua ngũ khò. Mặc kệ cái hồn ma tuy quen mà lạ, tuy lạ mà quen đó đi, chuyện ai người đó làm là xong.

Thỉnh thoáng thắp nhang trên bàn thờ, ông khấn hỏi bà muốn gì? Có muốn ông làm gì cho bà không thì báo cho biết? Nhưng vẫn không nhận được câu trả lời, không lẽ bà chưa dứt được tình với ông? ông phì cười vì suy nghỉ đó của mình, thôi kệ, bà muốn về muốn đi là chuyện của bà, khỏi bận tâm.

Trong căn nhà nhỏ đó, ở tận cùng con hẻm. Nơi mà người ta dỗ giấc ngũ bằng tiếng xe xa xa lao vút trên đường, tiếng cọt kẹt của những cái giường cũ kỷ, tiếng mèo gào rượt đuổi trên mái nhà. Có những lần gặp gở của hai người, một sống, một chết trong lạnh lùng và trống rỗng. Để những ngày sau, hàng xóm phàn nàn: sao có đêm ông mơ thấy gì mà nói chuyện một mình lớn tiếng quá? Có người còn khẳng định thấy ông nữa đêm quét nhà? Ông ngạc nhiên nhưng không trả lời, chỉ cười trừ cho qua chuyện.

 Rồi một trong những buổi chiều ngồi trên xe, tay chống cầm chờ khách. Nhìn vạt nắng chiều nhuộm vàng góc phố trong làn gió đi lạc giữa dòng người chen chúc trên đường. Ông thảng thốt nhận ra rằng cái ngày mình phải xách bị đi ăn mày đã gần kề. Ông đã phải mượn tiền hàng xóm để chi tiêu mà chưa biết làm sao trả nợ. Người trong xóm bảo nhau: vợ chết là ông phải vậy thôi! 

Bị người ta xem thường là nỗi buồn phiền rất lớn nhưng ông vẫn chưa tìm ra lối thoát. Trong một đêm, nằm mơ mơ màng màng nhìn cái hồn ma thân quen đó lẫn quẫn trong nhà. Ông hình như nghe được một thứ tiếng động lạ vang lên ở rất gần. Nghe như tiếng lắc của một cái hộp có đồ vật bên trong. Nó kêu lọc cọc, lạch cạch trầm đục, đều đều. Ông lắng nghe rồi hướng mắt tìm kiếm trong cơn mê sãng. Rồi ngũ thiếp đi trong cái lạnh lẻo trong nhà mà vẫn chưa biết tiếng kêu lạ đó phát ra từ đâu.....

Những ngày sau, lúc rãnh ông đi dò tìm tiếng lọc cọc lạch cạch đó. Ông lắc mọi thứ có thể lắc, sờ vào tất cả đồ vật trong nhà nhưng vẫn không tìm ra được. Những lúc đó tình cờ ông mới nhận thấy rằng có những chỗ trong nhà ông sạch bong không một chút bụi. Đấy là những nơi bóng ma vợ ông thường lẫn quẫn tới lui. Cái bàn thờ nhỏ sạch như được lau chùi hằng ngày, cái giường cũ cũng vậy và cả cái bếp lò cùng với kệ để tô chén. Tất cả đều sạch sẻ mặc dù đã lâu rồi ông không ngó ngàng tới chúng. Ông tần ngần đứng nhìn rồi nhún vai kệ nó, sạch hay dơ giờ cũng không quan trọng, không cần biết và ông cũng không tìm kiếm vật nào đã phát ra cái âm thanh quỷ quái đó làm gì nữa.

Vài ngày sau, ông nằm ngủ trưa với cái bụng đói meo, mệt mỏi,  Chán  chường. Ông ngủ để quên cái đói, mệt, để tìm chút bình an. Trong lúc mơ mơ màng màng, giấc ngủ dật dờ cùng những giấc mơ lộn xộn không đầu không đuôi thì ông lại nghe tiếng kêu lọc cọc vang lên. Lần nầy thì nghe nó rõ mồn một từng tiếng, đều đều, trầm đục. 

- gì nữa đây? Ông mở bừng mắt lên nhìn về hướng tiếng kêu lọc cọc và nhận ra rằng nó phát ra từ cái gối nằm của vợ ông. Cái gối được làm bằng các miếng gỗ thông ghép lại hình khối chữ nhật và rỗng ruột. Cái gối gỗ được quấn bên ngoài một lớp nhiều miếng nhựa nhỏ dài có màu xanh, màu đỏ đan lại như cái rỗ làm bằng tre.  Lúc sinh thời, vợ ông dùng nó để lót đầu nằm khi ngủ dù cái gối rất cứng.  Ông ngồi bật dậy nhìn chăm chú cái gối đang nằm trên cái giường trước mặt thì chợt không nghe gì nữa hết. 

- giỡn hả mậy?

Còn tiếp (3/8/2024-posst lại)



   Chào ngày mới!

Mở mắt ra, cô nhìn lên cái trần plafon đóng bằng ván ép loang lổ ố vàng vì mưa dột.

Trần plafon căn phòng trọ nầy không biết sập lúc nào, nó đã bị mục từ lâu vì dột rồi, không biết chừng nào bà chủ nhà mới cho đóng mới? Dù sao có nó vẫn đỡ phải bị mưa rơi thẳng xuống mình. Nhìn qua khe cửa trời vẩn còn nhá nhem tối, đã hơn 4 giờ sáng, dậy thôi sáng rồi. Cô nhủ thầm rồi uể oải ngồi dậy và nhẹ nhàng cuốn mùng mền chiếu gối vì mấy cô bạn vẫn còn ngủ say. Bọn nó sẽ dậy hết thôi khi nghe tiếng nước cô dội trong cái nhà tắm chưa đầy hai mét vuông trong căn phòng trọ mười sáu mét vuông nầy.

Vệ sinh xong cô mở cửa phòng, ra ngó trời tìm chút không gian thoáng mát khỏi cái ngột ngạt tù túng bên trong, lúc đó bốn cô còn lại cũng đang lục tục thức dậy và chờ nhau tới phiên mình vào nhà tắm. Hôm nay tới phiên con H chiên cơm cho cả bọn ăn sáng, chiên một chảo và chia cho mỗi người một chén, ăn nghe mằn mặn và khô khan khô khốc. Lúc ăn cơm, cả năm đứa thì thào tán chuyện, khúc khích cười rồi quơ quào cho xong chén cơm để còn tới hãng cho kịp giờ. Quá 6 giờ trễ 5 phút, vô làm ngày đó coi như công không nửa ngày vì bị phạt trừ 50 ngàn. lần hai đi trễ trong tháng hết một ngày, lần ba hết hai ngày và không có lần bốn. Vì hãng quy định 1 tháng đi trễ 4 lần coi như tự ý bỏ việc, bị sa thải không có một cắc thâm niên.

Không như mấy người khác ăn vội vàng, cô cứ nhẩn nha nhai kỹ từng hạt cơm. Vừa ăn vừa nhớ lại chuyện xưa, hồi còn ở quê, sáng sáng cô vẫn hâm lại nồi cơm để cả nhà ăn sáng, ăn cơm với miếng cá kho mà anh em cô bắt được ngoài đồng. Cô nhớ những cánh đồng bạt ngàn cò bay thẳng cánh mà người trong gia đình cô vẫn hằng ngày còng lưng để làm. Mà làm thuê cho người ta chứ có làm cho mình đâu à! Không biết tại sao? Ba má cô là nông dân mà không có ruộng để cày nhiều, có vỏn vẹn ba sào vừa trồng trọt vừa làm nhà ở nên quanh năm ba má và 6 anh chị em cô cứ phải đi làm thuê cuốc mướn cho người ta. Đến một ngày thằng anh hai của cô không biết nghe lời ai mà khăn gói theo người ta lên Sài Gòn đi làm. Hắn bảo:  "Tao lên Sài Gòn kiếm chiện làm để đổi đời, chứ ở đây riết cuốc mướn nhổ cỏ... ngày làm ba ngày nghỉ, đói nhăn răng. Ăn cơm mà nghe ổng bả chửi riết nuốt hổng vô" Rồi hắn đi thiệt là lâu, cả năm trời biệt dạng, cận Tết năm đó hắn về cho ông bà già năm trăm ngàn và cho 5 đứa em mỗi đứa hai chục ngàn, cả nhà vui như Tết. Qua Tết hắn dắt cô lên đây để đổi đời thấm thoát mà đã 6 năm rồi, ngày cô đi vừa tròn 18 tuổi, giờ hai mươi bốn. Tuổi nầy dưới quê chưa chồng là loại gái già ế sắc ế nhưng trên đây thì cả đống, xe cam nhông chở không hết. Thằng anh cô làm phụ hồ ở trọ với đám bạn quận bên kia, còn cô vừa làm vừa học nghề may ở trọ với đám bạn mới cùng cảnh ngộ quận bên nầy. Hai anh em cách nhau chục cây số mà một năm chưa gặp nhau lấy một lần.

Đổi đời đâu không thấy chỉ thấy từ ngày lên đây bù đầu bù cổ bên cái máy may xạch xè. Thời gian đầu vừa làm vừa học lương bổng không bao nhiêu mà còn bị trừ tiền đều đều vì làm sản phẩm lỗi nhiều. Cuối tháng cầm hơn một triệu, hùn tiền trả tiền trọ, tiền cơm và chi phí cá nhân, cho dù ăn mắm hút dòi, tô mỳ gõ không dám rớ cô không còn một cắc lận lưng. Trầy trật hơn năm trời, rồi còng lưng tới nay lương gần ba triệu một tháng mà đời có đổi gì đâu à? Lương lên không bằng giá lên, phòng trọ hồi đó bốn trăm một tháng, năm nay một triệu tư, thịt heo bốn chục ngàn 1 ký giờ hơn trăm ngàn. Nói thịt cho sang chứ bọn cô chỉ ăn cá biển rẻ tiền hay chao tương, tàu hủ kèm rau muống luộc. Ăn vậy mà tới giờ vẫn thiếu trước hụt sau, không thiếu nợ là may rồi. Trong hãng cô làm cả đống đứa vì không kiểm soát được chi tiêu thành ra phải mang nợ mà là nợ trả lời nặng. Thẻ ATM bị chủ nợ giữ, tới kỳ đứng ngoài tủ ATM chờ chủ nợ rút tiền cấn nợ, còn bao nhiêu trả lại, khóc như rươi.

Không có thiên đường cho những người như cô ở cái thành phố xa hoa tráng lệ nầy. Điều có duy nhất cho cô là một việc làm với đồng lương còm cõi, cô nghiệm ra một điều rất là đơn giản: có làm mới có ăn, ở quê cũng vậy và ở đây cũng vậy và làm ở cõi trần ai chứ không phải trên thiên đường. Thiên đường là điều láo toét mà nếu có thì với ai chứ không phải với cô. Ở nhà cũng bị chửi, nghe ông bà già chửi, chủ đất, chủ nợ chửi. Lên đây cũng bị chửi, bị con mẹ tổ trưởng chửi, con mẹ có bản mặt như ai ăn hết của, lúc nào cũng hầm hầm cau có, canh me hở chuyện gì là xỉ vả đám công nhân dưới quyền. Nghe mụ chủ nhà chửi khi chưa kịp trả tiền trọ, nghe bà bán tạp hóa cằn nhằn khi chưa thanh toán mấy khoản tạp hóa thiếu chịu,.... Cả bọn nhiều khi nói vui với nhau, đi đường thì mở lớn con mắt để dòm chừng, đi mà đá trúng hàng hột vịt thì không có tiền đền về nhà bị chồng nó chửi là chắc 100%, mà cả đám có đứa nào có chồng đâu à?

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thoắt cái mà đã sáu mùa mai nở rồi, Cô về quê ăn Tết được ba lần, ba lần ở sài gòn ăn Tết, nói ăn Tết cho chảnh chứ ngủ trong phòng cả ngày chứ có dám ra đường nhiều đâu à!. Ngoài đường thứ gì rớ tới cũng tiền, có lần bon chen đi Suối Tiên chơi, về nhà tính ra thấy mất hết gần ba trăm ngàn, nghe như muối xát trong lòng. Từ đó bái bai mấy khu vui chơi, ở phòng trọ qua coi ké tivi hàng xóm đỡ tốn tiền.

Ngồi nghĩ vu vơ một chút thì con bạn đá vô đít cái bịch: "Sao chưa chịu thay đồ đi làm? trễ rồi chị Hai, cò cưa gì nữa?" Cô sực tỉnh, lật đật vào phòng thay đồ rồi cùng đám bạn đi làm. Từ đây qua chỗ làm gần hai cây số, cả bọn cuốc bộ với nhau chừng hơn hai chục phút là tới. Khóa cửa phòng xong vừa quay lưng nghe tiếng ai khóc ở phòng gần bên. Cô hỏi: "Ủa ai khóc vậy tụi bây?"

- Con T bên chuyền ủi khóc chứ ai .

- Vậy hả? Có gì sao mới sáng sớm mà nó khóc vậy?

- Hi hi! má nó bệnh sắp đai mà nó không có tiền về thăm nên nó khóc, có dzậy cũng hỏi.

Chậc chậc, với đám ở trọ thì chuyện nầy cũng là chuyện bình thường, có tiền về thăm mới là chuyện lạ.

- Biết sớm, tối qua, ghé thăm an ủi nó hé!

- Thôi mệt! Đi lẹ lên tới giờ rồi, vô thăm, nó hỏi mượn tiền...bà có tiền cho mượn không?

Cả đám im re rồi nhẹ nhàng đi cho lẹ, để lại tiếng khóc theo gió bay xa dần, đường xá bây giờ nhộn nhịp rồi. Chào ngày mới!


Bắt đầu cho ngày mới.

Cà phê sáng.

 Cà phê sáng.


Ồ sao bé không lắc?

Lắc lắc lắc

Bé lắc sao không đều?

Lắc đều, lắc đều, lắc đều!


Cô gái trẻ đứng lắc lắc người  trước quán cà phê, tay cầm xấp vé số. Vừa lắc vừa hát. Kề bên, một anh già bán xôi dạo với chiếc xe đạp cũ đang tròn mắt nhìn cô gái đang lắc. Ông ta kêu cô gái:

- ê má! Rãnh quá đứng đó lắc với hát , mầy bị làm sao vậy?

- hồi sáng uống thuốc quên lắc nên giờ lắc. Cô gái tỉnh bơ trả lời.

- là sao? Tao không hiểu. Ông bán xôi dạo hỏi lại.

- thằng cha bán thuốc kêu tôi lắc đều chai thuốc trước khi uống mà hồi sáng chưa lắc tui đã uống nên giờ lắc cho đều trong bụng. Có vậy cũng không hiểu.

 - hả! 

Ông bán xôi kêu hả rồi thộn mặt ra, rồi lầm bầm trong miệng : “ chuyện nầy nghe quen quen, tưởng người ta bịa ra, hoá ra là có thật. Con nhỏ nầy chắc dân té giếng”. 

Ông ta nhìn cô gái với đôi mắt thông cảm, rồi cười nói:

- thôi đừng lắc nữa chắc đều rồi, nhìn mầy lắc tao chóng mặt quá, muốn lên tăng xông luôn.

Cô gái đứng yên, nghiêm trang nhìn ông nói:

- tui nghe lời ông, không lắc nữa…mua giùm tờ vé số đi.

Ông bán xôi lắc đầu nói:

- tiền không có ăn lấy đâu ra mua vé số!

Im một chút rồi ông nói:

- Hay là mầy đổi cho anh tờ vé số lấy gói xôi, OK?

Cô gái lắc đầu nói:

- Đây không ăn sáng, quen rồi, không đổi. Gói xôi mười ngàn có chút xíu, con nít ăn cũng không no, khỏi đổi.

- không đổi thì thôi, nói nầy nói nọ gì mậy.

Rồi cô gái vô trong quán mời vé số, kiên nhẫn mời mua và nhận những cái lắc đầu. 

Cô gái bước ra khỏi quán đi dọc theo con đường có hàng cây bằng lăng nỡ hoa tím ngắt, dưới những giọt hoa nắng lung linh xuyên qua cành lá đang đong đưa trong cơn gió thoảng. 

Ông bán xôi nheo nheo mắt nhìn xuôi theo con đường, rồi tính đạp xe nối gót cô gái.

- con nhỏ bán vé số bị bệnh thần kinh, nóng lạnh thất thường.

Ông chủ quán cà phê nãy giờ ngồi trước cửa quán vừa cất tiếng nói. Ông nói bâng quơ như không nói với ai, mắt nhìn đâu đâu.

Ông bán xôi dạo nỡ nụ cười vô tư rồi lẳng lặng đạp xe đi. Ông bật công tắc cái máy thu âm nhỏ để trong giỏ xe phía trước, phát ra tiếng rao bán xôi. Tiếng rao phát ra nghe nhào nhão, rè rè, rầu rỉ lập đi, lập lại lan trong gió trong không khí , trong các con đường, con hẻm dọc ngang. Ông dạo qua phố phường, nay khu vực nầy mai khu vực khác. Cô đơn trong dòng người, nhỏ bé trong những con phố nóng bức bởi ánh nắng chói chan. Ông nghĩ cô gái bán vé số cũng giống như ông , cùng kiếm ăn trên đường phố. Cùng thầm cầu nguyện cho bán hết hàng. Cùng quệt mồ hôi dưới cái nắng thiêu người, cùng khua răng lập cập trong những ngày mưa ướt lạnh. Và lo sợ bâng quơ trong bóng tối bao quanh ánh đèn đô thị khi đêm về.

Có khác là: người bán xôi, người bán vé số. Người đi bộ, người đạp xe, ông thần kinh bình thường, cô kia yếu thần kinh. Ông nghĩ : bình thường như mình còn bán buôn chật vật, lầm than. Còn tưng tưng…chắc là mệt lắm. Nhưng dù muốn dù không gì thì khùng cũng phải làm một nghề để kiếm ăn. Không làm lấy gì ăn, ai đâu lo?

Ông cứ mỏi mệt lang thang qua các con đường quen thuộc, lúc dừng khi có người mua xôi, rồi đi tiếp cùng với tiếng rao buồn tẻ, cứ vậy mà hết ngày giờ. Niềm hạnh phúc mà ông luôn mong mỏi là bán hết sớm, để tà tà ra công viên ngã lưng trên cái băng ghế đá dưới bóng râm của cây Phượng vĩ. Chợp mắt một chút, lắng nghe tiếng thời gian một chút trong những giấc mơ hão huyền rồi về.

Ngày hôm nay ông đã có được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đó. Ông bán hết sớm chỉ chừa một gói nhỏ để lát ra công viên ăn qua bửa. Khi tới công viên thì cái băng ghế đá quen thuộc của ông đã có người ngồi, tính kiếm cái khác thì ông nhận ra người đang ngồi là cô gái bán vé số hồi sáng ông gặp. Không hiểu sao ông lại nghĩ: hay là mình đến đuổi nó đi giành lại băng ghế? Ông đẩy xe đến đứng trước mặt cô gái nhưng lại không mở miệng nói được. Cô ngồi đó mắt nhìn xuống đường không buồn nhìn tới ông. Hai bàn tay cầm xoay xoay cái vỏ chai đựng nước suối, cọc vé số nằm nửa trong nửa ngoài trong túi áo khoác. Cô ta đang hát nhỏ trong miệng nghe như tiếng thì thào. Ông bán xôi nghĩ: thôi không nên mở miệng đòi ghế, tốt nhất là về thôi. Đẩy xe đi nhưng không biết làm sao ông dừng lại và lấy gói xôi ra đưa hướng về cô ta.

- ăn gì chưa, cho mầy gói xôi nè!

Cô gái ngước mắt nhìn ông một lúc rồi nói: 

- tui không cho ông vé số đâu!

- tao biết! Tao không đòi đổi vé số đâu, cho mầy đó. Gói nầy nhiều xôi nè, dư sức cho người lớn ăn no.

Cô gái đứng lên  bước tới đưa hai tay nhận gói xôi rồi nói:

- cám ơn. 

Cô gái quay lại băng ghế ngồi, bóp cho xôi nén lại rồi đưa cục xôi lên miệng cắn từng miếng. Vài hạt xôi rớt dính trên đùi, cô nhặt lên cho vào miệng và lúc nầy ông bán xôi coi như không có nữa trong mắt cô. Ông bán xôi im lặng đạp xe rời đi , trên đường về ông không thấy đói và cảm thấy vui vẻ trong người.

Ông lầm bầm trong miệng: trời nắng gì mà nắng dữ vậy.

Hình minh họa.