25 tháng 9, 2011

Càm ràm tháng Chín


Những ngày của tuần thứ 3 tháng 9, Sài Gòn ngày nào cũng mưa, mưa rất lớn.
Tôi ngồi ở quán cafe góc phố, nhìn hàng cây bằng lăng bên đường vẫn một màu xanh tươi rói sau cơn mưa. Nghe nói mùa Thu cây thay lá, Thu về với lá vàng rơi nhưng nơi đây sao lá không rơi? À quên! Nơi đây làm gì có mùa Thu?
Quán cafe chỉ có khách quen lui tới, có người uống cafe ở đây hơn 20 năm và ngồi giữ riết một chỗ cho riêng mình. Khách thường đọc báo buổi sáng rồi bàn chuyện thời sự đó đây rồi bình luận, tán phét, càm ràm đủ chuyện. Câu chuyện thời sự tháng nầy họ hay bàn là "mùa tựu trường" câu chuyện "hằng năm mỗi độ Thu về, ngòai đường mưa rơi, gió lạnh có lá vàng rơi rụng" là mấy anh bạn tóc muối tiêu ngân nga lại bài văn "Tôi đi học" của Thanh Tịnh.Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học..." Đọan văn mà bọn tôi không bao giờ quên, theo chúng tôi có lẽ hết cả cuộc đời vì mình không còn học thì tới con cháu mình học. Đọc lại đọan văn, lòng bỗng bâng khuâng nhung nhớ một thời hoa bướm xa xưa.
Giờ thì không còn hoa buớm, chỉ còn trìu mến trông theo dáng sấp nhỏ ôm cặp đi học khuất xa đầu ngõ, mong chờ một tương lai tươi sáng. Không biết mấy đưa nhỏ có lẩn thẩn nhớ bài văn "Tôi đi học" như lớp cha chú không?
Cái học bây giờ không còn dễ dàng như ngày xưa. Ngày xưa ấy, con nít đi học có tốn kém nhiều gì đâu? Một nhà có bốn, năm đứa con đi học là chuyện thường, chỉ sợ chúng không chịu học thôi. Cái học bây giờ nặng về tiền bạc, không tiền thì không đi học. Học trường nhỏ ít tiếng tăm, tiền học ít. Học trường lớn tiếng tăm nhiều thì tiền nhiều. Bởi vậy vào mùa tựu trường mấy đấng phụ huynh học sinh lo chạy tiền trường đến sẩu mình. Mấy ông khách trong quán cafe đều nằm trong diện phụ huynh học sinh "cận nghèo và nghèo". Cận nghèo thì đóng phí học tập đúng ngày không thiếu nhưng cũng lè luỡi, toát mồ hôi hột. Nghèo thì đóng từ từ, thiếu lên thiếu xuống dai như đĩa, chờ hiệu trưởng dọa đuổi học mới chạy ra tiền mà đóng. Có phụ huynh thuộc dạng nghèo cá biệt, không có tiền đóng cho con học trường lớn, đành ngậm ngùi chuyển con qua mấy trung tâm giáo dục thường xuyên học cho bớt tiền.
Tôi thì chỉ than thầm trong bụng khi đọc cái thông báo đóng tiền của nhà trường. Nhìn bảng báo giá phí học hành của thằng con dài lê thê như bảng phong thần mà tôi bần thần cả người. Lo nhưng không dám nói ra vì sợ ảnh hưởng tới tinh thần của thằng nhóc ở nhà. Rồi một lần ngồi coi thời sự trên tivi, có đọan phim quay cảnh các em nhỏ tiều học bơi vượt con sông hai bận một ngày để đến trường học cái chữ mà thấy quặn lòng. Con sông tuy nhỏ nhưng nước chảy cuồn cuộn, nước sông đỏ đục ngầu nhìn mấy đứa nhỏ bơi vượt sông mà hồi hộp. Không hiểu mấy cái đầu "đỉnh cao trí tuệ "của nước nhà nghĩ sao khi coi đọan phim nầy? Đâu đó trong nước vẫn còn nhiều cảnh na ná như vầy xảy ra mà sao họ cứ tính mấy cái chuyện trên trời. Nào là phải xây dựng tàu siêu tốc hết vài trăm ngàn tỷ đồng, nào là tạc tượng bà mẹ VNAH 400 tỷ, kỷ niệm ngày nầy chỗ nọ vài ngàn tỷ, rồi lại cải cách giáo dục toàn diện thêm vài chục ngàn tỷ,.. Vậy mà mấy chuyện nhỏ như làm cây cầu, một con đường, một ngôi trường bằng gạch cho mấy đứa nhỏ vùng xa học hành đàng hòang một chút, sao không nghĩ đến? Nghĩ vậy lòng tôi trở nên nhẹ nhõm, dù sao đi nữa mấy đứa nhỏ ở đây cũng còn đàng hoàng đi học, than cái nỗi gì?
Anh Tư chạy xe ôm đầu ngõ ngồi uống cafe chửi đổng ...vợ mình:
-         Chỉ mỗi cái việc chạy xin tờ giấy xác nhận hộ nghèo để nộp nhà trường xin giảm học phí cho thằng con mà lo cũng không xong, chỉ có ăn thì giỏi..."(?)
Tôi hỏi sao không xin được, ổng trả lời:
-          - Ông coi có ai như bả không? Trong mục kể nghèo, nghề nghiệp của bả, mình bán vé số thì ghi bán vé số đi, lại ghi nghề nghiệp là "buôn bán". Thằng cha nhận đơn của phường phán một câu: buôn bán mà nghèo cái gì? Xong bác đơn cái rột, hỏi ông coi tức không?
-         - Ờ ờ! Phi thương bất phú mà - Tôi phì cười trả lời, xong mới thấy mình cười vô duyên.
Rồi anh Tư kể tiếp:
- Tui sùng la bả lây qua thằng con, bảo rằng phen nầy không đóng nổi tiền học, tao cho mầy nghỉ học đi bán vé số với má mầy luôn. Ông biết nó trả lời sao không? Nó khẽ khàng bảo với tôi là: ba mua cho con cái xe, con ra chạy xe ôm như ba chứ đừng bắt con đi bán vé số. Tui nghe mà như muối xát trong lòng.
Tôi nhìn anh Tư và hình như anh khóc thiệt. Đôi mắt anh ngấn lệ, nghèo đúng là một cái tội.
Xóm nghèo của tôi, đường vào quanh co bao nhiêu ngõ nhỏ, đi mà nghe ngân nga tiếng trẻ học bài, bao mơ ước rời xa mãi nơi đây nhưng nào có dễ? Xóm nghèo nước ngập tới gối khi cơn mưa lớn kéo về, cho con nít nô đùa, cho người lớn tát nước ra hiên nhà, trông trời dứt mưa.
Ngồi uống cafe ở quán đầu ngõ nghe tiếng mưa sáng sớm, nghe anh Tư kể chuyện tự nhiên tôi thấy buồn, thôi thì hồn ai nấy giữ, con người ai cũng có số mà. Ngay mình đây giờ cũng sính vính, ví như xui xẻo không chừng mình cũng vậy, cái gì tới nó tới, lo gì? Đời như sàn đấu quyền anh, ráng lo chống đỡ miễn hồ đừng để nó hạ mình nốc ao đo sàn là được rồi. Bị đời đấm cho xây xẩm mặt mày cũng ráng mà mở to mắt để né cú đấm sau, không được gục. Tôi và anh cùng nhiều người khác dù không muốn cũng phải đối mặt, chứ né sao được? An ủi anh vài câu rồi chia tay ra về.
BQ càm ràm tháng 9.
PHẢN HỒI
1/BQ mến, 

Bên BC đã vào thu rồi, tiết trời man mác, có ngày mưa ngày không. Nhưng mưa không lớn chỉ đủ ướt áo thôi à.
Tháng chín gần hết rồi, vậy mà vẫn tháng chín không thoát khỏi càm ràm của BQ. Đùa thôi chứ BQ còn hơi để càm ràm là tốt rồi. Cố lên nhé "võ sỉ quyền anh".
TT
2/BQ nè, đàn ông không sinh con đả là sướng rồi .Bi giờ tìm 1 người cha lo lắng cơm áo gạo tiền như BQ là hơi ....hiếm thấy đó nha. Tui thấy trách nhiệm trên giờ chỉ có đổ hết lên vai những người mẹ mà thôi .Theo tui nghỉ bán vé số cũng là 1 công việc ,1 cái nghề kiếm tiền lương thiện.Ai biểu vợ anh bạn của BQ ....sỉ diện làm gì . May mà BQ chỉ có` 1 vợ ,1 con.Chứ 5 thê,7 thiếp con ....1 chục.Eo ơi lúc đó BQ sao nhỉ???tui nè,ở ngay cảng than Tân Cảng mà có than tiếng nào đâu.......Đọc báo thấy 7 chị em mồ côi mà đậu Đại học hết .Thật là kính nể nhửng tấm gương hiếu học như vậy .SKN
3/Đọc "tháng chín" của binhquan mà tui cứ ngỡ là "Chín tháng..."
Mèo đen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét