24 tháng 3, 2013

Tháng Ba

Mới tháng ba mà trời nắng như đổ lửa, không khí oi bức ngột ngạt. Trời không có một chút gió, hơi nóng hừng hực bốc lên từ mặt đường nhựa nhìn loá cả mắt. Chỉ khi nào trời mưa thì mới bớt nóng nhưng còn tới mấy tháng nửa mới tới mùa mưa, vậy là còn chịu nóng dài dài.
Thời tiết nóng khó chịu  hình như làm cho mọi sinh hoạt của con người như chậm lại (?). Ông chạy xe ôm ngồi chờ khách ở ngã tư đang ngủ gà ngủ gật trên xe dưới tán cây bàng. Bà chủ quán tạp hoá đang lơ mơ giấc nghỉ trưa trên chiếc ghế bố với cây quạt lá phe phẩy trên tay. Bết nhất là hàng bà Tư bún bò, "bàn im hơi bên ghế ngồi", im đến nỗi nghe rõ tiếng ruồi bay vo ve. Trời nóng như vầy ai mà ăn bún bò?  Xe ôm ế, không tiền nhưng xăng vẫn còn nguyên trong thùng, tạp hoá ế nhưng là hàng khô không bị thiu vẫn còn để đó từ từ bán, nhưng bún bò mà ế 1 ngày là chết 1 ngày, bởi vậy mặt bà Tư nhìn không có mùa Xuân. 

Tôi đang nằm khểnh trên cái ghế bố đặt dưới mái hiên nhà hóng chút gió trời, mồ hôi ướt cả lưng nghe bài nhạc "Áo lụa Hà Đông" - Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát, nắng Sài Gòn mà mát cái nỗi gì? Có mà nhìn em gái nào đẹp đẹp mặc áo dài đi ngang qua, áo dài mỏng ôm lấy những đường cong tuyệt mỹ nhìn thấy mát con mắt thì có.  Mà nãy giờ ngồi đây cả giờ đồng hồ ngó ra đường chả thấy người đẹp nào đi ngang qua để ngắm, trời nắng đổ lửa mấy nàng chắc trốn không dám ra đường vì sợ đen da rồi. Chỉ toàn là người bán vé số, bán báo dạo, lượm ve chai đi qua đây thôi. Có tiếng chim Cu gáy vang đâu đây. Hàng xóm tôi cách đây vài căn nuôi con Cu đất gáy hay tuyệt, nó gáy hay và gáy rất lâu. Tôi thích nghe tiếng Cu gáy vào những buổi trưa oi ả như vầy. Tiếng Cu gáy nghe trầm trầm, nghe buồn buồn làm sao. Người nuôi chim đem chút hồn quê về phố chợ qua tiếng chim Cu gáy, giữa tiếng xe chạy ầm ầm, tiếng ai hát Karaoke nghe nhão nhoẹt, tiếng người ta cãi vã thì tiếng rù rù của chim Cu nghe thật êm tai. Hình như dân ở đây ít người như tôi thích nghe tiếng Cu gáy, nếu họ có thích thì chỉ thích Cu đất bầm nấu cháo đậu xanh.

Ngồi trên ghế mơ màng trong bầu không khí nóng như trong bếp lò nên khó mà có được một giấc ngủ trưa êm đềm, tôi nhớ lại những việc đã trải qua trong tuần rồi. Nhớ thằng bạn ở quê lên nhờ chở đi mua ít đồ dùng cho gia đình. Nó cắc cớ hỏi:
- Ở Sài Gòn mầy có cái nhà hàng hay cái shop nào làm sốc tuyên bố không bán hàng cho dân Việt Nam không mậy?
- Làm gì có, mấy nhà hàng đó cái ở ngoài Phan Thiết cái ở Hà Nội chứ Sài Gòn không có đâu mầy.
- Chắc không?
- Ai biết!
- Chắc chưa bị phát giác thôi chứ làm gì không có?
- Ôi dào, tao không quan tâm, không bán thì đi chỗ khác mua hơi đâu để ý chi mệt.
Câu chuyện còn dài, tôi nghe bạn nói rồi nhớ lại quả là gần đây có quá nhiều bài viết phê phán những thói hư tật xấu của người Việt được lan truyền trên mạng. Câu chuyện về những người Việt có tiền giành ăn tôm trong một buổi ăn buffet trong một nhà hàng, đoạn clip đó được đưa lên trang Youtube cho thiên hạ coi. Không biết những nhân vật trong clip đó nghĩ gì nếu như coi đoạn phim có mình đóng? Cũng ba cái vụ ăn buffet nầy nghe nói bên Thái Lan có những nhà hàng ghi hẳn những bảng thông báo bằng tiếng Việt đề nghị người đọc hiểu được chữ của bảng thông báo kia để thực hiện theo thông báo là: đã chọn thức ăn thì cần ăn cho hết không lấy dư rồi bỏ phí phạm, nếu ăn không hết bỏ mứa sẽ bị phạt. Rồi người ta tránh ngồi gần với khách du lịch người Việt với lý do là người Việt không giữ ý tứ nơi công cộng thường gây ồn ào và thường say sỉn (?). Trong giao tiếp hằng ngày dân Việt bây giờ nhiều người hay cáu kỉnh, nóng giận, có người sẵn sàng choảng nhau ngay ngoài đường chỉ vì va quẹt xe, lời qua tiếng lại đỏ mặt tía tai phùng mang trợn mắt cãi nhau ỏm tỏi không coi người chung quanh có ký lô nào. Đứng ngã tư chờ đèn xanh người phía sau thường lấn trái chạy lên phía trước để chờ đèn xanh qua cho lẹ làm cản trở lưu thông của người khác. Trên đường nếu như có một sự cố nào đó xảy ra là rất nhiều người thản nhiên dừng xe giữa đường tỉnh bơ theo dõi sự việc gây ra kẹt xe, lộn xộn.
Rất nhiều việc không hay do dân mình gây ra hằng ngày, nhất là ba cái vụ xả rác bừa bãi. lề đường, mặt sông hồ, bãi đất trống đang xây dựng đều có thể thành bãi rác. Người ta vô tư quăng xả rác, có người ăn mặc lịch sự chạy xe gắn máy đắt tiền nhưng ngó qua ngó lại là quăng túi rác nghe cái bịch xuống đường rồi rồ ga chạy mất. Bao nhiêu là chuyện để nói.

Quay lại chuyện với người bạn. Anh ta nói là lý do người chủ shop ngoài kia không bán hàng cho người Việt là vì người Việt hay ăn cắp {?. Còn ông chủ nhà hàng nói là không bán cho người Việt là vì người Việt vào chỉ hỏi chứ không bao giờ mua hàng và khách Việt thường hay gây rắc rối cho nhà hàng (?). Tôi nhún vai không biết trả lời ra sao. Với tôi thì đơn giản không bán cho tôi thì tôi đi mua chỗ khác, nhà hàng có thiếu đâu mà lo, có lo là lo không tiền thôi. Còn ai thích gây sốc tự khoác cho mình bề ngoài cái vẻ mất văn hoá hay văn hoá lùn gì đó rồi bị thiên hạ ném đá thì đấy cũng là hậu quả họ gây ra nên họ phải gánh thôi. Dân nước nào lại không có tính xấu, chỉ nhiều hay ít, làm sao không có?

Gần đây dân mạng xôn xao, bàn tán lên án một tay chủ nhà hàng bên Tàu ở thành phố Bắc Kinh cũng dán bảng thông báo không phục vụ người Nhật, người Philippin, người Việt Nam và chó (?). Mất dạy nhất là cái vụ kèm thêm "chó" vào vụ không phục vụ, hắn ta xấc xược đặt ba người kia ngang với chó ư? Chà chà! Biết phản ứng sao cho đúng đây? Hắn làm như dân tộc hắn ngon lắm. Tôi nhớ cách đây vài chục năm tôi có coi cuốn phim "Tinh Võ môn" do Lý tiểu Long đóng vai chính tên là Trần Trân thì phải. Trong phim có đoạn Trần Trân sau khi một mình đến đại náo võ đường của người Nhật trên đường về tính ghé vô một công viên chắc để hóng mát thì bị anh bảo vệ người Chà Và râu xồm đóng khăn trên đầu chận lại không cho vào. Trần Trân tức điên lên cãi vã với anh bảo vệ và hỏi lý do sao không cho vào thì anh bảo vệ chỉ vào 1 tấm bảng gỗ treo trước cổng có ghi hàng chữ "Cấm người Trung Quốc  và chó vào công viên". Trong lúc cãi vã có một người phụ nữ nước ngoài dắt chó vào một cách tự nhiên thì Trần Trân chỉ và hỏi nói không cho chó vào sao con chó kia được vào? Thì anh Bảo vệ cười ha hả và bảo là đấy là chó của người ngoại quốc nên được vào còn mầy muốn vào thì hãy làm chó của quý bà kia thì sẽ được vào. Giận quá Trần Trân bay lên đá song phi bể tan tành cái bảng gỗ (may là bằng gỗ chứ bằng sắt có mà què chân).   Rồi chạy trối chết để trốn vì anh Chà Và bảo vệ thổi tu huýt inh ỏi kêu Mã tà xách súng tới dí bắt Trần Trân. Có lẽ ông chủ nhà hàng ở Bắc Kinh chưa coi phim nầy và không thông hiểu lịch sử nước mình nên mới treo cái bảng phân biệt kia trước cửa nhà hàng của mình. Chấp những kẻ ngông nghênh đầu óc lùn xủn kia làm gì!

Tôi đưa bạn về dưới cái nắng chói chang giữa đất Sài Gòn ồn ào đầy bụi khói. Lơ đãng nhìn ngắm phố phường phơi mình dưới ánh mặt trời chói chang.  Tôi thầm nhủ để có đất cát và xây dựng một thành phố to lớn như thế nầy, các thế hệ trước phải mất biết bao nhiêu công sức và xương máu mới có được. Hồi nhỏ đi học có ông thầy dạy môn Sử thường nhắc nhở chúng tôi rằng phải luôn nhớ ơn các bậc tiền nhân đã đổ bao xương máu để con cháu có chỗ đứng dưới ánh mặt trời như ngày nay. Vì vậy đừng làm những việc ngô nghê mang tiếng xấu cho người của mình. Cần phải tránh xa những việc sai trái như những chuyện đã nói trên. Khi chia tay, bạn tôi bảo: khi nào Sài Gòn có mấy cái nhà hàng hay shop không bán cho người Việt mày điện cho tao lên. Tôi hỏi chi vậy? Thì hắn bảo tao lên rồi mầy chở tao tới đó để coi dung nhan mấy ông chủ đó ra làm sao, có ba đầu sáu tay khác mình không?

Rồi cũng hết chuyện, chuyện thì hết mà nóng không chịu hết, trời có tối cũng không bớt nóng được bao nhiêu, nóng gì mà nóng quá trời quá đất!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét