Cái ngã tư nhỏ đó, có đèn xanh đỏ, có đường kẻ trắng dừng xe, có đường kẻ trắng dành cho người đi bộ. Ngã tư nhỏ nhưng lúc nào
cũng đông người và xe. Thỉnh thoảng người ta thấy có hai anh cảnh sát giao
thông chạy tới trên chiếc mô tô công vụ màu trắng, dựng xe đứng ngó lom lom
người đi đường rồi thổi còi vài người vào kiểm tra rồi ghi giấy phạt... Họ ở đó chừng nửa
tiếng rồi dông mất.
Luôn có người thường xuyên có mặt ở ngã tư nầy để mưu sinh. Trước là vài ba cô cậu sinh viên trẻ măng đứng phát tờ rơi cho người đi đường. Khi xe đang dừng chờ đèn đỏ họ chạy ra phát cho từng người tờ rơi quảng cáo. Có người nhận cầm trong tay một chút là quăng xuống đường mà không cần đọc. Có người lắc đầu từ chối, rất ít người cất mấy tờ rơi quảng cáo nầy. Trời có lúc nắng lúc mưa, phần nhiều là oi bức nhưng mấy cô cậu sinh viên nầy luôn khoác thêm bên ngoài cái áo gió trùm đầu sùm sụp, áo khoác có lẽ giúp họ bớt đen da, bớt bị đốt nóng bởi cái nắng cháy da??? Mưa thì núp, tạnh mưa là hối hả chạy ra phát tiếp mặc cho xe cộ chạy qua làm văng nước tung toé lên người. Còn nắng thì túc trực bên lề đường, khi đèn đỏ thì đi len lõi trong dòng xe phát tận tay từng người, khi đèn xanh thì chạy vô đứng chờ bên lề đường, công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi nào hết tờ rơi thì nghỉ.
Kế đó là có một ông già lọm khọm đứng ăn xin ngay sát lề đường gần chân cột đèn giao thông. Ông ta thổi sáo khi đèn giao thông màu đỏ, chuyển màu xanh thì nghỉ. Ông già ăn mày đeo một cái ca nhựa màu xanh lá cây cũ mèm dơ bẩn ngay trước cái bụng xẹp lép của mình để cho người đi đường thương tình bỏ tiền vô đấy. Lâu lâu ông ta tranh thủ ngồi bẹp xuống vệ đường nghỉ một chút khi đèn xanh vì lúc đó ai cũng lo chạy đâu có ai quan tâm đến người ăn mày bên đường. Tiếng sáo của ông có lẽ nghe rất du dương rõ mồn một ở một nơi nào đó yên tĩnh? Nhưng ở đây ngay cái ngã tư ồn ào nầy thì nghe như tiếng ruồi xanh vo ve, thậm chí có người còn không nghe được tiếng sáo thổi trầm bổng ra làm sao. Người để ý thì nhận thấy ông thường thổi sáo hai bài là Lòng Mẹ và Làng tôi. Tiếng sáo nghe như run run lạc lõng giữa dòng người hối hả trong tiếng ồn xe cộ.
Người ăn mày già có một cô bé bán vé số dạo làm bạn. Cô bé trạc 12 tuổi, thỉnh thoảng ngồi kế bên ông trò chuyện. Nó hỏi chuyện kề chuyện đâu đâu không nhưng dù sao cũng còn có người trò chuyện còn hơn lặng lẽ, thui thủi một mình lặng im giữa dòng người ồn ào trong nỗi chờ mong lòng trắc ẩn. Có hôm nó hỏi ông:
- Ông ở nhà trọ hả?
- ừa
- Ăn mày mà ở nhà trọ?
- Không ở trọ vậy chứ mầy bảo tao ở đâu?
- Vậy cái nhà trọ ông ở có mấy người ăn mày? Tui nghe người ta nói ăn mày ở lề đường hay dưới gầm cầu mà?
- Hỏi chi vậy? Sao mầy rắc rối quá.
- Hỏi cho biết chứ chi! Ngộ thiệt ăn mày mà ở nhà trọ, nhà tui ai cũng đi bán vé số cũng ở nhà trọ giống như ông vậy há!
- Thôi! Mầy đừng có đứng đó mà trù tao nữa, bộ mầy muốn tao ngủ ở dưới gầm cầu lắm hả?
- Đâu có trù ông nhưng ăn mày thì phải ở lề đường mới đúng chứ.
Nó vô tư nói mà không biết ông bạn già nó đang nghĩ gì. Thường là vậy trò chuyện đôi ba phút là nó đi bán tiếp. Có hôm nó nghiêng đầu nhìn vào cái ca màu xanh đựng tiền của ông rồi thắc mắc không biết trong đó có bao nhiêu tiền, liệu có nhiều hơn tiền nó kiếm được không? Ông già ăn mày cứ trả lời khi nó hỏi, quạu quọ, cau có rồi cười khục khặc với nó. Có lúc nó hỏi:
- Sao ông không đi bán vé số như tui mà lại đi ăn mày xin tiền người ta?
- Bán rồi, tao bán từ hồi vé số có 500đ một tờ à, bán cho tới lúc lên 2.000đ một tờ thì cụt vốn đi ăn mày cho tới giờ. Mầy cũng coi chừng giống như tao bây giờ. Nhưng tao đâu có xin không? tao cũng thổi sáo cho người ta nghe rát cổ họng chư sướng à?
Ông già cười khục khặc nheo nheo mắt nhìn con bé, thấy con nhỏ tỉnh queo rồi cười cùng với ông. Có lẽ nó cũng không nghỉ chi cho mệt. Có ông thì suy nghĩ điều nó nói. Ai mà muốn đi ăn mày? Đứng dang đầu ngoài nắng ngoài mưa chờ người ta thương tình cho ít tiền lẻ. Nay đứng đây vài bữa ngày kia ông đổi ngã tư khác, có khi xa nơi nầy hằng chục cây số. Có khi ông lang thang vô mấy cái chợ để xin, chứ xin hoài một chỗ người ta quen mặt đâu có cho hoài. Rồi bị cảnh sát, bảo vệ đuổi, rồi còn phải coi chừng nghe ngóng chiến dịch của phòng thương binh xã hội thu gom người ăn xin, lang thang vô gia cư để làm đẹp phố phường. Thời gian có chiến dịch thì ông nằm bẹp dí trong phòng trọ với cái bụng xẹp lép, mai mà già rồi đâu có sức nữa để ăn nhiều. Nói nhà trọ nghe cho nó sang chứ thật ra căn phòng ông mướn trước là cái chuồng heo rộng 8m2, chủ nhà cơi nóc lên cho cao thêm rồi gắn vài tấm tôn che gió để đồ lặt vặt không xài. Ông vào xin mướn và đâu có dám nói là mình làm nghề ăn xin, chỉ nói là phụ buôn bán với con cháu và phải trả 400.000đ một tháng, điện xài nhiêu thì trả bấy nhiêu còn nước thì cho ông xài miễn phí nhưng có giới hạn. Mỗi ngày ông được hứng 1 lu nước giếng chừng 40L rồi xài sao thì xài. Chủ nhà trọ vẫn thường xuyên sang hỏi han tình trạng sức khoẻ của ông và tỏ ra lo lắng khi thấy ông nằm bẹp rên hừ hừ trong cái chuồng đó. Chủ nhà trọ đâu có thương gì ông già ăn mày, chẳng qua họ coi chừng ông là vì họ sợ ông lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử làm phiền họ thôi. Vì vậy đã nhiều lần chủ nhà tính đuổi ông ra không cho mướn nữa khi thấy ông có vẻ mệt và ho liên hồi. Ông phải cho họ thấy số thuốc ông mua và đang uống, rồi hứa là sẽ cuốn gói ngay khi thấy trong mình không ổn.
Ông ngồi lơ đễnh nhìn người chung quanh, thấy hai đứa sinh viên một trai một gái đang len lỏi giữa dòng người và xe, đưa tờ rơi cho từng người. Ông ngẫm nghĩ cái nghề đó coi vậy mà có lẽ cực hơn nghề ăn xin của ông. Nghe nói một ngày phát hết được chủ trả 50.000đ, đứng từ sáng cho tới trưa, từ trưa cho tới tối phát cho hết cả xấp tờ rơi là có người khác đem xấp khác để phát tiếp. Có lúc ông thấy bọn chúng chỉ ăn bữa trưa bằng 1 ổ bánh mỳ không với 1 trái chuối èo uột, ăn xong qua thùng nước trà đá miễn phí của một nhà tốt bụng để trước cửa uống. Mẹ! thanh niên gì mà ốm nhom à, chỉ đỡ hơn ông cái chỗ là lưng không bị còng. Mấy đứa nầy thay đổi liên tục, ngày làm ngày nghỉ được vài ngày thì đi đâu mất, có đứa khác đến. Hai đứa nầy đứng đây được một tuần lễ rồi không biết chừng nào chúng bỏ ở đây? Ông nghe tụi nó nói chuyện với nhau và hiểu ra rằng tụi nó còn khổ hơn mình nữa. Nào là tiền học phí, nào là tiền ăn, tiền ở trọ, tiền quần áo, tiền tập vở,... Đủ thứ tiền mà cha mẹ ở quê cày ruộng lấy đâu ra nhiều tiền mà lo cho chúng. Thành ra phải tranh thủ lúc không tới trường thì chạy làm đủ nghề, kiếm được đồng nào hay đồng đó để trang trải cho việc học hành.
Trời sập tối, đường phố đã lên đèn từ lúc nào rồi mà cũng không hay. Một làn gió chợt đi ngang qua làm mát khuôn mặt già khọm của ông vốn đã bị đốt nắng cả ngày. Ông ngước mặt lên như mong đón được thật nhiều gió mát, rồi một ý nghĩ chợt đến trong đầu: ông ước gì mình chợt biến mất đi trong cơn gió nầy, rồi cười khì với ý nghĩ điên khùng của mình.
Ông quay nhìn hai đứa sinh viên giờ đang ngồi kề bên nhau trên lề đường. Cả hai cùng duỗi thẳng chân ra rồi xoa bóp bắp chuối của chân mình. Cô gái thỉnh thoảng đưa tay ra sau đấm đấm vô thắt lưng mình. Ông ngồi nghe lóm hai người nói chuyện, và biết rằng giờ hai đứa đang chờ người mướn họ đem tiền tới trả công cho mình. Tiền công nguyên tuần và họ đang lo rằng không biết người ta có trả đủ tiền cho mình không hay giam lại một, hai ngày tiền công? Trả đủ hết thì mới đủ chi trả các khoản chi phi, còn như bị giam lại thì không biết lấy đâu ra tiền để ăn cho ngày mai. Nghe đến đấy ông già tự nhún vai, tự nhủ một mình. Chuyện không biết bữa ăn sắp tới của mình sẽ bắt đầu từ lúc nào và ăn cái gì hay là phải đi ngủ với cái bụng trống không óc ách nước lã thì với ông là chuyện không gì ầm ĩ vì ông đã từng lâm vào cảnh như vậy rồi. Chỉ tội cho hai đứa trẻ, đang sức ăn sức lớn mà bị cái ăn hành hạ thì thật khổ.
Ông không nghe hai đưa trẻ nói nửa mà đứng dậy rê bước qua bên tiệm tạp hoá đối diện. Một lúc sau ông quay ra ngồi lại chỗ cũ. Ngồi ngó trời ngó đất một lúc khi thấy hai cô cậu sinh viên có vẻ chuẩn bị ra về khi nhận tiền công từ một người thanh niên đi xe gắn máy đem tới. Ông gọi hỏi hai cô cậu sinh viên:
- Hai đứa về chưa?
- Dạ sắp về rồi ông, có gì không ông?
- Lãnh đủ tiền chưa?
- Lãnh rồi mà chưa đủ họ hẹn mai ghé qua nhà sẽ trả hết phần còn lại.
- Ông nhờ chút được không?
Đôi sinh viên cùng lúc cất tiếng hỏi lại:
- Ông nhờ chuyện gì?
- Chạy lại thùng trà đá đong giúp ông chai nước tối ông uống, đi giùm ông vì hai chân ông tê cứng hết rồi.
Anh sinh viên lật đật đứng dậy và nhận cái chai nhựa từ tay ông rồi hối hả chạy tới thùng trà miễn phí dùng cái ca để sẵn ở trên thùng rồi múc nước đổ đầy chai cho ông. Trong lúc đó ông già lại quay qua nhờ cô sinh viên:
- Con gái! chạy qua tiệm tạp hóa bên kia đường nói với bà chủ là đưa cho mấy gói mỳ gói ông gởi được không?
Cô gái dạ xong rồi vội vã băng qua đường tới tiệm tạp hóa, lát sau cô quay lại cầm theo 5 gói mỳ gói trong bao xốp đưa cho ông già. Lúc đó cậu sinh viên cũng đang đưa chai nước. Ông già ăn mày nhướng nhướng đôi mắt mờ đục của mình, rồi nói với cái giọng khàn khàn:
-Hai đứa chia nhau ăn giùm ông mấy gói mỳ. Mỳ nầy của cháu ông đem cho ông mấy ngày nay mà ông đâu có ăn mỳ gói được. Ăn nóng lắm, ông chỉ ăn cháo thôi. Thành ra ông gởi bà bán tạp hóa mấy ngày nay rồi, hai đứa chắc ăn được ăn giùm ông, để bỏ phí.
- Hơ... sao được? Tụi cháu làm sao dám nhận của ông? Ông ráng ăn đi, mỳ ăn cũng tốt mà.
Ông già cười khục khặc trả lời:
- Ăn được thì ông nhờ hai đứa làm gì? Ai đâu mà nấu nước? Mỗi ngày ông nấu một nồi cháo, ăn bữa sáng chừa lại phân nửa lát về hâm ăn tiếp. Nội cái hâm cháo cũng mệt rồi nói gì tới nấu mỳ? Vã lại ông chúa ghét mỳ gói, nó mặn như muối lồi, ăn cho lên tăng xông à?
- Vậy ông đừng cho bột nêm thì sẽ không mặn
- Không cho bột nêm thì lạt nhách ăn sao được. Thôi! hai đứa ăn giùm ông đi, ông cám ơn!
Sau chút lưỡng lự, hai cô cậu cám ơn ông già ăn mày rồi nhận mấy gói mỳ. Tuy là của người ăn mày nhưng vẫn là những gói mỳ sạch sẽ, bao bì mới tinh trông ngon mắt. Bỗng nhiên cô gái hỏi ông già:
- Ủa? Sao ông có con cháu mà lại đi làm nghề.... nầy?
- Ối dào! Con cháu nó nghèo kiết xác nuôi ông sao nổi. Ông cứ đi làm nghề nầy cũng sống qua ngày khỏi làm phiền ai. Lần sau ông bảo nó cho ông cái khác không cho mỳ thì sẽ không làm phiền hai đứa.
- Chậc chậc! Đâu có phiền đâu ông.
Rồi họ cũng chia tay nhau. Trời đêm mùa hè oi bức nhưng ở suốt ngoài đường hình như con người cũng bị nhiễm lạnh. Người ăn mày thổi sáo còn phải cuốc bộ khoảng đường dài mới về tới chỗ mình ngã lưng. Cái chỗ nguyên là chuồng heo dù sao cũng hơn ở gầm cầu. Ông già vẫn cứ cầu mong sao cho ông giữ được nơi ngã lưng đó tới lúc ông nhắm mắt xuôi tay là hạnh phúc lắm rồi.
Sống mới khổ chứ chết biết gì nữa đâu mà khổ? Ngày ngày còn nói chuyện với con bé bán vé số, với mấy đứa nhỏ còn đi học là còn chút niềm vui. Vui hơn nhiều so với chỗ tối tăm ngột ngạt nơi ông ngả lưng một mình nói thầm với bóng của mình trong ánh đèn đường hiu hắt hắt vào qua khe cửa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét