26 tháng 10, 2013

Bình loạn chút chơi

Gần đây tôi có người bạn gởi cho một đường linnks liên kết tới trang BBC tiếng Việt. Trang có nội dung "xe máy Việt Nam lao ngược chiều thế giới" Tác giả là một người ở tỉnh Lạng Sơn. Tôi đã đọc bài nầy và từ thực tiễn của mình tôi rút ra được kinh nghiệm thực tế của tôi với chiếc xe máy. Tôi không phản bác ý kiến của tác giả bài viết, không phản bác ý kiến của những người có đồng quan điểm với tác giả. Vì ý kiến của tác giả rộng quá, cao quá với nhiều phân tích cấp quốc gia và vươn ra khỏi cả Việt Nam nửa. Nhưng tôi thực sự muốn đưa quan điểm của mình về vấn đề nầy, cho dù ý kiến của tôi có thể là thiển cận, kém cỏi.
Trước hết xin coi nhận xét của tác giả về mặt ích lợi của xe máy ở Việt Nam:
"Không thể phủ nhận, xe máy, nếu xét trên góc độ tiện dụng, cơ động, linh hoạt, thì sẽ là phương tiện giao thông tuyệt vời không có đối thủ cạnh tranh...."

Chỉ có vậy thôi và chắc cũng khá chính xác. Còn chê và phê phán người dùng xe máy thì nhiều vô số kể. Đọc qua thì thấy rất hợp lý, giờ ta cứ tuần tự xem từng vấn đề mà tác giả phân tích cho người đọc thấy cái dở của "xe máy"

"Nét đẹp đô thị của những con phố sạch sẽ phong quang với những hàng xe hơi, xe bus trật tự nối đuôi nhau là một viễn cảnh xa vời đối với các đô thị Việt Nam.
Vì sao vậy? Nguyên nhân đến từ xe máy. Chỉ xe máy mới có thể luồn lách đến mọi ngóc ngách, dẫn đến việc khuyến khích người dân làm nhà trong ngõ mà không cần tuân thủ quy hoạch theo tiêu chuẩn chung...."
(???)

Vụ nầy thì tôi nghe sao mắc cười quá, có thằng dân ngu cu đen nào mà muốn nhà ở trong ngõ? Thậm chí với loại người phó thường dân như tôi mà có nhà trong ngõ bất kể ngõ lớn hay ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo hay cong quẹo cũng là một điều diễm phúc. Cái nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ với lối nhỏ ngoằn ngoèo là cả một niềm mơ ước của bao người. Tội nghiệp cái xe thiệt!

"Chỉ có xe máy mới dễ dàng dựng la liệt ngay trên vỉa hè để mua bán trao đổi hàng hóa, chiếm hết chỗ dành cho người đi bộ. Và như vậy, xe máy trở thành rào cản cho quy hoạch đô thị hiện đại ở Việt Nam."

Chuyện nầy có chỗ đúng có chỗ không đúng, lấn chiếm vỉa hè là vấn nạn đau đầu các cấp chính quyền. Nhưng coi kỹ lại không hẳn là xe máy chiếm vỉa hè, nguyên nhân chiếm lề đường là mấy ông bà có nhà mặt tiền. Phần lớn nhà có mặt tiền tử đường lớn đến đường nhỏ thường được tận dụng kinh doanh nhất là các lề đường gần chợ, gần các trường học, cơ quan, bệnh viện,... Người bán thường hay lấn ra vỉa hè cái bàn, cái ghế, tủ trưng hàng hoá, cái kệ để đồ. Thậm chí có người còn đẩy sào phơi đồ di động hay cả cái bếp nhà mình ra vỉa hè. Vì vậy xe lấn chiếm vỉa hè là 50%. Không công bằng khi nói xe máy là nguyện nhân choáng vỉa hè là rào cản quy hoạch đô thị hiện đại.

Nghèo rớt mồng tơi, giải quyết được cái ăn trước mắt là phúc lắm rồi, chờ tới ngày các đô thị Việt Nam hiện đại nhà cửa tươm tất từ ngoài phố vô tới trong ngõ, đường phố đầy các xe công cộng tiện dụng, xe hơi đi cho an toàn thì xin lỗi, 50 năm nữa chưa có! Bây giờ xe bus cũng nhiều lắm đấy chứ nhưng thật tình mà nói không tiện dụng. Nhà tôi chỉ cách nơi tôi làm 6km nếu tôi đi xe bus thì 1 lượt phải đi 2 tuyến, tốn thời gian cỡ 1 giờ đồng hồ (không bàn tới chuyện tiền mua vé xe, tôi đi xe gắn máy 2 lượt đi và về tính ra tiền xăng vẫn còn rẻ hơn đi xe bus). Mà thời giờ là tiền bạc, vừa bỏ cơ quan ra phải tranh thủ đi làm thêm, làm thêm tới 9 giờ tối về, tới chỗ làm trễ chừng 15 phút, hai lần như vậy lần sau tới có tên khác làm thay mình rồi. Mà 9 giờ tối về có xe bus đi mới là chuyện lạ! Rất nhiều người rơi vào trường hợp như tôi. Công nhân ra ca chiều là 10H tối, vô ca ba là 10H tối không đi xe máy chắc có mà đi taxi? Nói chung khi mà một đất nước còn nghèo rớt mồng tơi thì đừng có mà nói tới chuyện quy hoạch đô thị, mở rộng đường sá, xe công cộng tiện dụng như các nước tiên tiến. Cứ chờ thôi! Không biết tới đời cháu mình hết nghèo chưa? Ở Sài Gòn đất hẹp người đông, tấc đất tấc vàng thì than phiền dân sao không chịu đi xe bus. Nhưng về các thành phố nhỏ, các thị xã đất rộng người thưa cũng ít có người dân chịu xử dụng xe bus vì xe bus chưa thật sự tiện dụng với đa phần dân chúng. Chưa tiện dụng thì dĩ nhiên người ta phải chọn phần tiện dụng, đó là lẽ đương nhiên.

Tác giả còn nhiều nhận xét mà thật sự tôi không hiểu nổi, chẳng hạn về sự lịch lãm hay không lịch lãm trong việc đi xe máy với cái nồi cơm điện (nón bảo hiểm) trên đầu. Mặc complet hay váy đầm có lịch lãm không khi trên một chuyến xe bus nêm như cá mòi? Có chắc không nếu như người ăn mặc đàng hoàng lịch sự sẽ cư xử lịch sự đàng hoàng? Chuyện nầy cần phải coi lại. Và chuyện như sau:

"Việc vào siêu thị mua thực phẩm sạch trở thành vô lí khi mà chỉ cần ngồi lên xe máy, phóng vèo ra chợ cóc đầu đường là có thể mua bất kỳ loại thực phẩm gì.
Thực phẩm chợ cóc thì không hề tuân thủ an toàn vệ sinh. Và hậu quả về ăn uống mất vệ sinh thì không nói ai cũng biết."


Có lẽ tác giả thường đi siêu thị nên cho là vậy, đám phó thường dân rất khoái đi siêu thị nhưng tiếc là muốn là một chuyện nhưng có tiền để đi là chuyện khác. Có nhiều người cuốc bộ ra siêu thị gần hơn ra chợ cóc nhưng họ thà cuốc bộ xa để đi chợ cóc. Biết là ăn thực phẩm bán ở chợ cóc nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao nhưng củng phải ăn thôi vì họ không có sự lựa chọn nào khác.
Còn nhiều nhận xét nữa nhưng bàn hoài sao hết|? Nói chung với người tầm thường như tôi thì cái gì tiện, tiết kiệm được thì mình xài cái đó. Thật tình mà nói tôi cũng mơ được đi làm trên một chuyến xe bus tiện nghi, hợp túi tiền, đi đúng giờ trên những con đường rộng rãi hai bên là những lề đường thông thoáng với những ngôi nhà đúng theo quy hoạch đẹp đẽ hiện đại,... Nhưng hỏi ai sao cho ra được chuyện nầy? Hỏi ông Trời ổng cũng bó tay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét