24 tháng 7, 2011

Lịch Sử với phó thường dân

Ngày còn đi học, môn lịch sử là môn học tôi rất thích. Tôi hay tưởng tượng, hay suy diễn. Khi học tới các bài học tiền nhân chống giặc phương Bắc gìn giữ bờ cõi rồi mở rộng biên cương đất nước về phía Nam, tôi luôn thầm thán phục cha ông mình. Ngày xưa những bài học lịch sử đơn giản nhưng luôn ăn sâu vô tâm tưởng học trò. Một ông Phạm Ngũ Lão ngồi đan rổ bên vệ đường mải lo nghĩ việc nước cho đến lúc bị quân lính đâm giáo vào đùi mới sực tỉnh. Một câu nói "ta thà làm quỷ nước nam còn hơn làm vương đất Bắc" của ông Trần Bình Trọng làm cho bọn học trò vô cùng thán phục. Rồi Lam Sơn khởi nghĩa ba lần lui về núi Chí Linh với giả sử Lê Lai quên mình cứu chúa, mới thấy công cuộc cứu nước của cha ông lớn lao biết bao nhiêu. Tới giai đoạn người Pháp xâm lược, đại thần Phan Thanh Giản phải dâng ba tỉnh miền Nam xong uống thuốc độc tự vẩn làm chùng lòng người. Tới Tiếng bom Sa Diện và 12 anh Hùng Quốc dân Đảng với ông Nguyễn Thái Học. Cuối cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đánh đuổi được thực dân Pháp.Có lẽ Việt Nam là đất nước luôn có chiến tranh từ ngày lập quốc. Không đánh nhau với giặc ngoại xâm thì đánh nhau với anh em trong nhà hết loạn 12 Sứ quân, tới Lê Mạc, rồi Trịnh Nguyễn phân tranh, tới Tây Sơn khởi Nghĩa rồi sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Bao thăng trầm qua từng giai đoạn để viết thành Sử sách, người đi học chỉ mong được học những điều đúng đắn trung thực. Sau năm 75 Sử lại được các nhà giáo dục mới dạy theo cách khác, bóp méo, xuyên tạc nhiều sự kiện. Người nhỏ với chút công lao đã tự cho mình quyền phán xét tiền nhân. Hồi ngồi ghế giảng đường tôi nghe ông thầy dạy môn Sử bảo "thằng Gia Long là tên vua bán nước, triều đình nhà Nguyễn thối nát dâng nước cho giặc,... thằng Nguyễn văn Thiệu liếm gót giầy của đế quốc Mỹ v.v." thì ngoài miệng tôi gọi ông ta là thầy nhưng trong bụng tôi coi ông ta là thằng, kiến thức của người tôi phải gọi bằng thầy không đáng giá một xu. Ông ta say mê rao giảng thơ của một ông nội phó.... đương chức của ổng; ca ngợi một cha bên Châu Âu xa xôi mà giờ đây cha nầy đang bị người dân nước đó đưa vào loại gây tội ác chống lại loài người. Thơ ông nội đó nghe mùi chuột chết, thúi không ngửi được.Bởi vậy mà sau nầy học sinh mới không còn ham thích học môn Sử, mới có đứa bảo là Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Pháp (?), có hai ông Trần Hưng Đạo là ông A và ông B (?). Tôi hỏi 5 đứa nhỏ điển tích của bức tượng đức thánh Trần chỉ tay xuống sông ở bến Bạch Đằng Sài gòn là sao, không đứa nào biết hết. Bọn nhỏ bây giờ học Sử như học vẹt, học cho thuộc để lấy điểm, còn ý nghĩa ra làm sao thì không cần biết. Công cuộc kháng Pháp chỉ có một nhóm người duy nhất, còn lại đều vứt sọt rác hết. May mà những năm gần đây cũng có một số tiếng nói đính chính lại phần nào cho các sự kiện. Người ta cho phát hành lại một số sách Sử cũ, hy vọng người đi học có cái để mà so sánh để nghiền ngẫm. Đấy chỉ là Sử nước nhà, còn Sử thế giới lúc tôi còn đi học họ dạy nghe mà phát ốm. Ca ngợi mấy cái nhà nước mà dân nghèo cùng cực mà bây giờ đã chết tám đời dương rồi. Còn những nước giàu có thì chỉ là cái phông bề ngoài, sau cái phông đó chỉ toàn là người nghèo sống trong ổ chuột, là giả tạo, là bốc lột đầy rẩy. Chiến tranh thế giới lần hai thì đánh thắng phát xít Đức, công lớn nhất là đàn anh cao cả mà thôi, các nước khác chỉ là bọn thừa gió bẻ măng. Hình như tới giờ vẫn còn dạy như vậy thì phải.Sử là giấy trắng mực đen viết lại cho đời sau học nên cần phải trung thực, công bằng. Người đi học tất nhiên phải học Sử không thể xem nhẹ, không biết bao giờ mới lấy lại thế quân bình cho môn Sử với các môn học khác. Giáo viên dạy môn Sử bây giờ thường có thu nhập thấp hơn giáo viên các môn chính. Bài học nhảm thì nhiều mà tiết dạy thì ít, bởi vậy cả thầy lẫn trò chỉ lo học vẹt là chính. Phó thường dân như tôi đôi khi càm ràm về môn Sử vì hằng ngày tôi vẫn coi đi coi lại mấy cuốn sử cũ mèm, dĩ nhiên phải có điều kém cỏi mong ai đọc thì bỏ qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét