Mùa thi cử đã bắt đầu, mấy cô cậu Tú tài mới tinh đã bắt đầu khăn gói lên đường về phố thi cử. Hai ngày thứ hai và thứ ba của tuần nầy ra đường người ta thường gặp rất nhiều thí sinh các nơi đổ về Sài gòn thử sức học của mình. Trước các cổng trường là điểm thi trong lúc thí sinh thi trong trường thì ngoài trường là đám đông cha mẹ, anh chị thí sinh đứng lố nhố phơi nắng phơi mưa chờ con em mình ra. Những khuôn mặt lo lắng, bồn chồn chờ đợi. Có người lặn lội đưa con vào Sài gòn dự thi từ miền Trung nắng cháy da người, nơi xứ ăn đá gà ăn muối. Có người từ vùng cao Nguyên đất đỏ, từ vùng sông nước mênh mông Miền Tây gạo lúa. Tay xách nách mang, chạy kiếm chỗ trọ cho mình và con trần thân khoai củ trong mấy ngày thi nầy.
Thi đậu rớt sao không biết nhưng họ tốn kém quá chừng, nào là tiền tàu xe, tiền ăn uống, tiền phòng trọ và còn rất nhiều chi phí khác sao kê hết được. Có ông trung niến dáng vẻ mộc mạc, da đen nhẻm, ốm nhom trong bộ quần áo cũ bạc màu nhăn nheo, miệng luôn rít điếu thuốc, đứng nói với người đồng cảnh với mình kế bên:
- Tui biết chắc là nó thi không nổi nhưng thấy nó ham thi quá nên chắt móp, gom góp, vay mượn đưa hắn về đây thi. Chậc chậc! Thi đại học cho biết với người ta chứ chắc rớt 90% chứ đậu sao nổi? Học trong lớp có mấy chục đứa mà đã đứng thứ mấy chục rồi, thi ở đây tới mấy ngàn đứa thì cầm chắc đứng thứ một ngàn trở lên chứ ít gì?
Người đàn ông đứng kế bên, nghe ông ta nói xong phá ra cười rồi trả lời:
- Thì anh cứ hy vọng trong cái 10% còn lại đi, hi hi! Đứng thứ một ngàn là đậu đó nha, năm nay trường nầy lấy tới hơn hai ngàn đứa lận. Không hy vọng thì thi làm chi cho mắc công?
- Mấy hôm ở nhà má nó cứ thắp nhang van vái trời phật cho nó thi đậu. Ngày nào cũng cho nó ăn đậu. Hết đậu xào rồi tới đậu luộc, tới chè đậu đỏ, đậu xanh ăn riết. Ăn đậu để thi đậu mà, cấm tiệt nghĩ tới chuối, tới hột vịt, hột gà vì sợ nó ăn vô xong xơi trứng ngỗng trong bài thi rồi trượt vỏ chuối. Hì hì! Thiệt tình mà nói nó mà thi đậu đại học tui cũng chưa biết đào đâu ra tiền cho mấy năm ăn học ở Sài gòn? Cái xứ gì cái gì cũng mắc kinh khủng.
Đám đông phụ huynh cứ thì thầm, to nhỏ kể chuyện nầy chuyện nọ cho nhau nghe để mau hết giờ. Chốc chốc lại ngóng vô trường rồi coi đồng hồ, rồi tặc lưỡi, đầy vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi.
Mà dân làm ăn buôn bán ở đây giờ cũng kỳ, lợi dụng mấy lúc nầy buôn bán chặt chém người ta vô tội vạ. Một chỗ nằm với chỉ một manh chiếu nhỏ lấy đẹp người ta 150.000đ một ngày. Một cái phòng chừng 10 mét vuông chơi luôn tám chỗ, mấy đứa nhỏ cùng phụ huynh nằm như cá mòi hộp. Thở còn không đủ lấy đâu còn sức mà ôn bài? Hàng ăn hàng uống cũng vậy. Bình thường ly trà đá một ngàn quá lắm là hai ngàn giờ chặt gấp đôi. Tô hủ tíu gõ mười ngàn dân ở trọ đi thi xắt mười mấy hai chục ngàn. Có mấy tay xe ôm bất lương chở người ta đi kiếm đường chạy lòng vòng vẽ vời xong hét cuốc xe hai trăm ngàn, thật là đáng xấu hổ. Dân nghèo ở xa về lâm vô thế kẹt phải bấm bụng mà trả, nhìn vẻ mặt nhơn nhơn thu lợi của người bán mà rầu trong bụng.
Cũng có người tốt cho ở trọ giá rẻ chỉ lấy tượng trưng. Có chùa mở rộng cửa cho ở, còn cho thêm cơm chay ăn miễn phí nhưng người tốt như vầy thì ít nên cũng không có bao nhiêu người được hưởng. Chỗ tôi ở có tay bán mỳ buổi sáng tôi hay ăn, mấy hôm đó ra ăn hắn vẫn lấy tôi giá như hằng ngày nhưng với mấy người từ nơi xa đến hắn quất thêm mỗi tô tám ngàn. Tôi thắc mắc giùm người thì hẳn tỉnh queo trả lời:
- Ôi hơi đâu mà anh lo, mấy người nầy chỉ tới đây một lần không có lần thứ hai đâu mà sợ bị mắng vốn (???)
Biết là tiền ai không ham nhưng kiếm tiền kiểu như vầy cũng hơi kỳ. Mấy tay chặt chém người ta trong mùa thi nầy, hết mùa gom được một mớ không biết có đi chùa lễ Phật hay làm phúc cho người không ta? Lẽ ra thấy mấy đứa nhỏ cực khổ đi thi không giúp thì thôi sao lại chèn ép? Nhìn mấy đứa nhỏ đi thi thấy phục, thi có mấy ngày xách theo cái va li to tổ bố nặng chình chịch trong đó chủ yếu là sách vở tài liệu ôn thi. không biết chúng sẽ nhớ được bao nhiêu trong biển bài vở đó cho hai ngày xa nhà nầy?
Tôi đứng lẫn trong đám đông mới thấy cái công mình lo cho con mình không bằng những con người từ những nơi xa xôi về đây đang đứng ở kia. Biết sức con mình không thi đậu nổi nhưng họ cũng chiều cho nó đi thi cho biết thi Đại học với người ta. "Thi cho biết với người ta" câu nói nghe đơn giản nhưng có đi để cho biết với người ta thì gian khổ vô cùng. Phải chịu đựng những điều kiện ăn ở chèn ép, phải chịu để người bóp họng bóp hầu, vắt cạn túi tiền của mình phải đổ mồ hôi mới có mà không biết phải làm sao lấy được sự công bằng. Khi hết giờ thi bọn trẻ túa ra, cả đám lố nhố hỏi han con làm bài được không? Có đứa gật đứa lắc nhưng tuyệt nhiên không thấy ai la rầy tiếng nào. Một nụ cười dịu dàng trìu mến với con em, với những lời vỗ về chia sẽ luôn hiện trên mặt các đấng phụ huynh. Ừ thì thi cũng xong rồi, giờ về thôi con, chuyện đậu rớt hạ hồi phân giải, có trời định rồi con ạ!
BQ - 07/7/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét