18 tháng 11, 2012

Tháng Mười


Tháng mười gần cuối Thu, nơi đây chờ mãi vẫn không có lá vàng rơi rụng, chỉ có những cơn mưa dầm làm cho hàng cây ven đường lá thêm xanh, gột rửa những nóc nhà phủ bụi đường.. Mưa như kéo trời xuống thật gần, thật thấp, mưa rơi đều đều lúc lớn lúc nhỏ làm lao xao con người. Người rảnh rỗi, nhàn hạ thì mưa làm họ xao xuyến, một chút lãng mạn trong cảnh mưa rơi, ngâm nga hát bài nhạc về mưa . Người bận việc mưu sinh cho dù mưa cũng phải làm thì sao lãng mạn nổi?

Trời vừa nhá nhem tối, bầu trời đã sủng nước, mưa đâu từ trưa. Tôi đứng trước cửa xưởng nhìn những hạt mưa bay, rơi trên tóc, ướt chiếc áo kaki nặng mùi mồ hôi sau ca làm thêm. Ai lại không ngán ra đường vào lúc như thế nầy? Nhất là nhìn con đường ngập nước như con sông lờ lững trôi trước mặt. Ngoài đầu ngõ có quán cafe, tôi phải ra đó ngồi chờ thêm hai tiếng đồng hồ nữa mới có thể nghiệm thu và bàn giao giàn máy mình mới sửa cho ông chủ xưởng. Nhìn quang cảnh vắng vẻ đìu hiu bên trong  xưởng tôi muốn vọt đi cho lẹ. Hai năm trước, xưởng luôn đông đúc công nhân cặm cụi làm việc, tiếng máy chạy, tiếng người, tiếng xe cộ ra vô vận chuyển hàng hoá luôn ầm ỉ nhưng kinh tế ngày càng đi xuống. Chủ xưởng sa thải công nhân dần dần rồi tới nay chỉ giử lại một số ít người có tay nghề giỏi nên bây giờ chỉ còn lèo tèo chừng vài chục công nhân sản xuất cầm chừng. Nhà xưởng ngày làm việc mà vắng bóng người giống như ngày nghỉ cuối tuần.

Tôi xắn quần lội nước ra quán cafe, chừng hơn trăm mét, vậy mà ra tới nơi bị ướt như chuột lột. Không khí trong quán đìu hiu không kém gì trong kia, đúng là bàn im hơi bên ghế ngồi với bà chủ xinh xắn ngồi ngó trời mặt mài ủ dột. Một bức tranh buồn. Kêu ly cafe uống cho ấm lòng, cho bà chủ đỡ ế, trời cứ mưa hoài  chắc chỉ có mình tôi đi uống cafe .
Phía trước quán là một chị bán cháo lòng bình dân, giá khá rẻ. Một tô cháo lòng chỉ 8.000đ thêm nửa cái bánh dầu chẩu quảy nữa là chẵn mười ngàn. Hồi trước chị bán ngày hai buổi, sáng thì điểm tâm và tối bán cho người ăn thêm, dân nhậu bình dân. Nhưng từ lúc mấy cái xưởng sản xuất đồ gổ, đồ cơ khí trong kia teo tóp dần, đám công nhân cũng tảng hàng bớt để đi nơi khác kiếm việc. Người còn lại có lẽ cũng bớt ăn sáng ngoài hàng quán nên bây giờ chị phải nghỉ bán buổi sáng và chỉ còn bán buổi tối nhưng bán cũng rất chậm. Ngồi uống cafe nhìn chị loay hoay che chắn hàng cháo của mình trong cơn mưa gió. Những cơn gió thổi ngang dọc mạnh mẻ như muốn xé tan tấm bạt ny lon che,  mưa tạt xiêng xiêng xối xả rơi lên trên quầy hàng nhỏ bé . Cái bếp lò đốt bằng than tổ ong chắc cũng đã tắt lửa vì nước thấm ướt cả vách lò. Tủ kiếng để đồ ăn cùng tô chén được chị trùm bằng tấm ny lon mờ trong màn nước, có nước dọn về nhà ăn trừ cơm chứ buôn bán gì với cảnh mưa gió như vầy?

Một lúc sau, chồng của chị lò dò mò ra quán trong cái áo mưa trùm kín. Anh xắn tay vô phụ vợ tìm vật nặng dằn giữ mấy tấm bạt cứ chực chờ bay đi theo cơn gió. Rồi anh xin phép cô chủ quán cafe cho anh đem nồi cháo và cái tủ kiếng đưa vào trú mưa trong quán, chứ để thêm chút nữa nước mưa tạt vô nồi cháo chắc thành nồi canh cháo lòng hư luôn. Dọn dẹp xong hai vợ chồng ngồi kề bên nhau nhìn ra đường, rồi ngó trời, rồi thở dài. Chị vợ chậc lưỡi thì thầm với ông chồng:
- Chừng vài lần như vầy nữa chắc cụt vốn luôn anh!
- Ai mà biết ổng mưa lớn như vầy, không biết chừng nào tạnh nữa. Thôi lát về khỏi nấu cơm, cả nhà ăn cháo cho nhẹ bụng dễ ngủ. còn ba cái lòng thì mai kho mặn với cải chua ...ăn từ từ.
Nói xong anh vỗ nhè nhẹ lên mu bàn tay vợ mình như an ủi vỗ về. Rồi anh lôi trong túi quần ra cái túi ny lon gói cái khăn lông nhỏ đưa cho vợ, rồi nói:
- Em lau tóc, lau cần cổ đi cho đỡ lạnh, nãy giờ mưa tạt ướt hết rồi, coi chừng cảm lạnh.

Nhìn cảnh đó tôi thấy cũng hay hay, buôn bán thì lúc được lúc không là chuyện bình thường nhưng buôn bán theo cái kiểu chỉ vài lần mưa ế ẩm là cụt vốn thì cũng hơi kẹt. Nhà nghèo mà ra buôn bán kiểu buôn thúng bán bưng giống như gánh hàng đi qua cầu khỉ vậy, qua không khéo lọt sông thì mất hết vốn nói gì lời. Đâu chỉ có mình vợ chồng người bán cháo lòng? Bên kia đường là hai cô gái trẻ đứng nép sát vô hiên nhà trú mưa, trên hai ghi đông xe đạp của hai cô là hai cái thúng được trùm ny lon kín mít. Hai cô nầy tối tối vẫn thường đạp xe bán dạo các loại đậu phộng luộc, đậu phộng rang, trứng cúc luộc...v...v....bán cho dân nhậu của mấy quán bình dân dài dài trên con đường nầy. Chắc cũng không có ai đội mưa đi nhậu, lòng heo còn kho mặn với cải chua còn đậu phọng luộc không biết có kho được không? Suốt con đường nầy tôi quen quá rồi, quen từng con người, từng khúc cua, từng viên gạch vở trên lề của từng góc phố. Tôi có thể kể tên của từng con người kiếm sống về đêm suốt dọc con đường nầy và đoan chắc rằng cho dù biết rằng mưa to gió lớn như vầy, không cách gì kiếm tiền được nhưng không ai lại nghỉ về nhà trùm mền ngủ cho khoẻ. Còn rất nhiều người đang nấn ná đâu đó dưới mái hiên nhà nào đó để chờ mưa tạnh, để còn chút hy vọng kiếm ít tiền cho đêm nay, để không có nguy cơ cụt vốn....  Kể cả mấy cô gái ăn sương đứng ở gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ phía dưới kia cũng vậy. Mưa như vầy mấy em phong phanh với mấy cái áo hai dây hở hết cỡ... giờ thì lạnh phải biết. Không biết có ai đưa cho mấy em cái khăn lông cũ kỹ lau cho bớt lạnh như ông chồng đưa cho cô vợ bán cháo của mình không?  Giờ có ai chạy xuống đó rước một em, ép nửa giá, thậm chí một phần ba giá dám có em gật đầu OK liền. Tôi phì cười với suy nghĩ khùng điên chợt đến của mình. Nhìn lại đồng hồ cũng gần hai tiếng đồng hồ trôi qua rồi, tới lúc về rồi. Tôi nhìn hai vợ chồng người bán cháo đang lui cui sắp đặt đồ đạc vô chiếc xe đẩy chuẩn bị về nghỉ rồi kêu họ.
- Hê! Ông bà múc bỏ bao cho tui tô cháo đi, mười ngàn cho chẵn khỏi bánh dầu châu quảy. lát về tui hâm lại ăn.
Cả hai nghe xong toét miệng cười và múc liền cho tôi bịch cháo đem về. trả tiền cháo cho họ xong, tôi quay lại trả tiền cafe. Cô chủ quán  như cô mèo lười, uể oãi nhận tiền từ tay tôi rồi ngáp vắn ngáp dài:
- Em cũng đóng cửa quán đi ngủ đây. Mưa cho thúi đất hay sao mà không thấy tạnh. Chán thiệt!
Chán thiệt? ừ kể cũng chán thiệt khi giờ nầy, trời vẩn cứ mưa gió bão bùng không có dấu hiệu tạnh mà mình còn lang thang ngoài đường. Cái xe đẩy của vợ chồng người bán cháo giờ đẩy về chắc là nặng lắm? Họ chắc còn chán hơn mình nhiều? Bên kia đường hai cô gái chịu trận trong cơn mưa ôm mối lo to đùng trên ghi đông xe. Đâu phọng luộc mà ngâm nước mưa thì ngày mai có nước đổ thùng rác.
Vô tới xưởng thì tay chủ xưởng đang có mặt ở đó chờ tôi rồi. Ông ta ra vẻ hài lòng với những việc tôi làm cho máy móc của ông ta. Nhưng khi trả tiền thì ông ta than khó khăn và khất tôi lại tuần sau.
- Tuần sau đi, anh khỏi lên đây, tôi sẽ ghé qua chổ làm của anh đưa tiền luôn. Hôm nay hơi kẹt tiền mặt, thông cảm nha!
Tôi nghe xong ngẫm nghĩ một chút, nhớ lại cảnh vừa rồi ngoài quán cafe rồi tôi cười và trả lời:
- Anh kẹt thì tui cũng kẹt. Ngày hôm qua nghe chị nhà than.... Than là hồi trước đi chợ ngày hai trăm ngàn mà bây giờ một ngày phải bốn trăm ngàn mới đủ bốn món cho bốn người nhà anh. Anh phải trả cho tôi ít tiền công chỉ bằng vài ngày tiền chợ của anh, quá lắm là anh bớt một món ăn trong vài ngày. Nhưng ba món còn lại chắc cũng vẫn có cá có thịt có canh? còn tôi! Anh mà không trả thì tôi không mua được gạo, không có gạo thì vợ con tôi rất là bi đát phải không? Bởi vậy trả tiền đi ông nội! Khỏi thiếu, ông mà không tiền chắc tôi có nước đi ăn mày.
Nghe tôi nói xong ông ta cười hì hì và móc tiền ra trả. Vừa trả vừa nói:
- Anh nói quá! Tiền nè, lo về kẻo khuya.

Nhét tiền vô túi xong tôi dắt xe dông về. Trời vẫn cứ mưa mưa hoài không biết bao giờ mới dứt. Tới ngang ngã tư đèn xanh, đèn đỏ bất giác tôi nhìn vô trong lề và vẫn thấy mấy cô gái ăn sương đang ngồi bó gối ngó trời. Sao không về cho rồi? Tôi thầm hỏi.  Aurevoir mấy em bây giờ tôi sắp khoẻ hơn mấy em rồi vì tôi gần về tới ngôi nhà ấm áp của mình. Trong khi đó.... mưa cứ rơi không biết đến bao giờ mới dứt? Ai sẽ hát bài "Lãnh trọn đêm mưa"?.
Tháng 10/12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét