Tôi thường là người của không thành công, là kẻ luôn uống nước đục dù không muốn. Có hôm đi dự tiệc tân gia nhà người bạn, ai cũng xì xào hắn xây nhà tốn cả tỷ, ngôi nhà công nhận đẹp thiệt, sang trọng, nội thất toàn là hàng hiệu. Vợ ngồi kế bên xì xụp ăn húp rồi chùi miệng bảo với mình:
- Nhà bạn anh thấy mà ham, nhìn lại nhà mình cái nền xi măng bị bể trám lổ chổ sần sùi như cái áo vá, không biết tới chừng nào mới có tiền sửa chữa.
Nghe xong ngồi tắc lưỡi không biết trả lời làm sao, phải chi mình có cái máy in tiền? Tới chuyện khác, thằng bạn Bác sỹ mới đưa thằng con lớn qua Nhật học, kêu tới để nghe nó khoe. Ngồi hàng giờ nghe đã rồi nó hỏi:
- Sao ông không ráng lo cho thằng nhóc ở nhà đi du học? Ở Việt Nam biết bao giờ mới khá?
Nghe nó hỏi muốn nổi khùng, tính quăng vài "giấy năm trăm" nhưng chợt nhớ mình đang nói chuyện với bạn, tuy là bạn nhưng nó nằm trong giòng họ sỹ nên ngậm họng. Đỡ cái là nhìn mặt mình nó hiểu và im không hỏi nữa. Hôm đó về nhà buồn, ruồi bay trước mặt không đuổi, tính kể cho vợ nghe nhưng ngưng kịp, kể ra chỉ tổ thêm rắc rối. Kiếm chỗ xả stress bèn ra ngoài sân sút con chó một phát, tội nghiệp con chó kêu ăng ẳng cúp đuôi trốn xuống gầm giường, nhờ vậy lấy lại chút phong độ.
Còn nhiều chuyện nữa, từ trong nhà đến phố, đến cơ quan, vô trường học v.v...Nói chung đụng gì cũng thấy thua người ta, nhiều lúc ngẩng mặt lên nhìn rồi cất tiếng than:
- Sao cha mẹ sinh ra ta mà không cho ta cái máy in tiền?
Có ông hiền sỹ khu phố, vốn dĩ hằng ngày sinh nhai bằng nghề chạy xe ôm, nghe được cho mình lời khuyên:
- Sao ông không nhìn xuống mà cứ nhìn lên, sao không chịu nhìn tui nè, phơi nắng phơi mưa cả ngày kiếm vài chục ngàn mừng muốn chết chỉ trông được vậy mà có lúc còn phải treo nồi. Ông như vậy còn than gì nữa?
Nghe xong tui sửng cồ với hiền sỹ khu phố: "Bộ ông trù tui hay sao vậy?"
Trời thì ở tít trên cao, mình thì lẹt đẹt dưới đất có bắt loa lên la làng ổng cũng đâu có nghe. Bởi vậy mèo vẫn hoàn mèo. Thời gian cứ trôi, ai việc gì cứ làm việc đó, không gì thay đổi.
Tình cờ một lần đứng chơi trước cửa chợ Văn Thánh, vô tình thò cẳng ra ngán trúng chân một người đi qua đường. Người nầy đứng lại cự nự, cự riết rồi làm bạn với nhau luôn. Cả hai lang thang bát phố sau màn cự nự lại làm quen một người đang đứng trầm ngâm coi rùa bên ven hồ con Rùa. Tuy không như " Vườn đào kết nghĩa" nhưng cũng không đến nổi bèo dạt mây trôi, rồi từ đó tuần một lần "Hoa Sơn luận kiếm" tại cafe quán mang tên loài hoa xứ Phù Tang.
Cafe quán nầy có cái khác người, tiểu nhị là những cô nhi khuyết tật được quán chủ giang tay lo lắng. Nghe đâu lợi tức của quán chỉ nhằm lo cho đám nhỏ, ôi! lòng người bao la khó mà đong đếm. Đôi khi nhìn lại tự thân mình thấy có mắt mà như khiếm thị, cái hay sờ sờ trước mũi, ngửi được, nghe được, có thể hiểu nếu như có chút não mà lại không thấy gì hết. Chỉ thấy có mỗi thiếu cái máy in tiền.
Qua bao lần "Hoa Sơn luận kiếm", đã gọi là cao thủ thì không ai chịu ai nên cuối mỗi lần luận kiếm sự việc tranh luận chỉ đến chỗ rối như mớ bòng bong, may mà còn có chỗ để hỏi để nhờ phân xử. Ấy là nhờ một ẩn sỹ, vị nầy ở ẩn tuốt luốt ở một xứ cực Bắc gần Alaska, quanh năm vui cùng tranh vẻ của các danh họa như Picasso, Vincent van Gogh (dỉ nhiên chỉ là trên mạng, chứ làm gì có tiền mà mua), Nhờ vị nầy mà mỗi lần tranh luận không ra lẽ, nhờ ẩn sỹ cho ý kiến tạm thời cũng ổn.
Bao nhiêu là việc đổi thay cuộc đời, rồi cũng đến lúc việc luận kiếm phải ngưng vì chưa tìm ra được cafe quán đệ nhất kiếm. Các cao thủ tản hàng về mà bế môn luận công cho lên hỏa hầu hẹn mùa luận kiếm năm sau. Ai sao không biết đôi khi tôi lại nhớ đến không gian cafe quán với đám tiểu nhị cô nhi khuyết tật mà không hiểu vì sao lại nhớ.
Gần đây một lần trở lại, quán đã dời tới chỗ mới.Tuy mới mà cũ, vẫn không gian yên ắng, kín đáo. Vẫn chỉ là tiểu nhị ra hiệu bằng tay khi giao tiếp với khách, khách tính tiền chỉ kêu bằng cách lắc cái chuông nhỏ để sẳn trên bàn. Lần nầy nơi chỗ cô đơn mới thấy ra rằng mình giàu biết bao nhiêu mà không cần phải có cái máy in tiền.
Lâu rồi trở lại và thật là vui khi thấy đám tiều nhị vẫn nhận ra mình, họ mừng rỡ giơ tay chào vì có nói được đâu? Ôi! bán cho tôi ly cafe có lời được bao nhiêu đâu à mà sao vẫn mừng? Từ đó nhận ra rằng mình giàu biết bao nhiêu. Giàu vì mình có đứa con lành lặn không bất hạnh như người khác. Giàu vì con mình vẫn ngày hai buổi cắp sách tới trường học xong rồi chơi chứ không phải lo bưng bê cafe cho khách cho dù là bị khuyết tật. Giàu vì vợ mình chưa đến nỗi phải lo như người mẹ đỡ đầu cho mấy cô nhi, hằng ngày phải ngóng trông từng người khách tới quán. Giàu là vì con mình vẫn còn được sự yêu thương từ cha mẹ ruột mà những đứa bé kia chắc chưa từng có từ khi cất tiếng khóc chào đời?
Vào cái giờ tôi ngồi nhâm nhi ly cafe tán gẩu với bạn bè ở đây ( vì không đủ tay nên chưa luận kiếm) thì ngay nơi nầy họ đang tất bật ngóng trông đón khách vào quán. Còn ngoài kia nơi mà bạn tôi đang ngồi ngóng khách qua đường hòng tìm thêm cuốc xe độ nhật qua ngày mà không một lời than vãn. Giờ tôi mới biết tôi giàu biết bao nhiêu.
Đến đây để mà biết mình giàu.
BQ - 15/12/2009 (bài cũ)
PHẢN HỒI
BQ - 15/12/2009 (bài cũ)
PHẢN HỒI
SKN2/Đến đấy ơi, sao mà sặc mùi kiếm hiệp kỳ tình ở đây vậy?
Trong bài Bq có nhắc đến cái quán có phải chủ nhân là một cô gái Nhật, mấy em bưng bê là những trẻ em bị kém trí không? nằm ở góc đường( quên rồi). Cafe ở đó ngon giá vừa túi tiền cho mấy cô cậu sinh viên. Bangchu cũng hay đến đó cùng bạn nhâm nhi vào những buổi chiều đầu tuần, gần đó có bán bò nướng lá lốt cũng ngon, Bq có thử ăn lần nào chưa?
TT3/Có thiệt hai em vịt hỏng biết quán cà phê Hoa Anh Đào hong ? he he he...Nguen Tan
Trong bài Bq có nhắc đến cái quán có phải chủ nhân là một cô gái Nhật, mấy em bưng bê là những trẻ em bị kém trí không? nằm ở góc đường( quên rồi). Cafe ở đó ngon giá vừa túi tiền cho mấy cô cậu sinh viên. Bangchu cũng hay đến đó cùng bạn nhâm nhi vào những buổi chiều đầu tuần, gần đó có bán bò nướng lá lốt cũng ngon, Bq có thử ăn lần nào chưa?
TT3/Có thiệt hai em vịt hỏng biết quán cà phê Hoa Anh Đào hong ? he he he...Nguen Tan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét