Tháng chạp âm lịch tháng cuối của năm, đồng nghĩa là gần tết.
Khó có ai thờ ơ với tết trong tháng nầy, người có tiền giờ rục rịch chuẩn bị Tết, người không tiền thì chờ và nghe ngóng giá cả. Vài cửa hiệu đã bày bán hàng Tết, màu sắc hàng tết tuy chưa tràn ngập nhưng cũng rải rác trên phố rồi với các màu vàng, đỏ rực rỡ. Vui xuân là vui mấy ngày trước tết, ngắm người ta mua bán nhộn nhịp, tất bật sửa sang nhà cửa, chứ tới ngày mùng 1 thì hết rồi.
Khó có ai thờ ơ với tết trong tháng nầy, người có tiền giờ rục rịch chuẩn bị Tết, người không tiền thì chờ và nghe ngóng giá cả. Vài cửa hiệu đã bày bán hàng Tết, màu sắc hàng tết tuy chưa tràn ngập nhưng cũng rải rác trên phố rồi với các màu vàng, đỏ rực rỡ. Vui xuân là vui mấy ngày trước tết, ngắm người ta mua bán nhộn nhịp, tất bật sửa sang nhà cửa, chứ tới ngày mùng 1 thì hết rồi.
Tháng chạp là tháng giành giật công việc của người nghèo. Họ giành công việc, kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy để chi cho tháng nầy. Mấy ngày nầy mà bị chủ đuổi việc là khóc như mưa, chủ trốn nợ quỵt lương cũng khóc luôn. Ở cuối con đường có một cơ sở may gia công nhỏ, chủ cơ sở mướn khoảng hơn chục cô công nhân vào may. Cơ sở chuyên may các loại quần áo rẻ tiền, bỏ mối về các tỉnh, giá trả cho người làm rẻ như bèo, vậy mà mới ngày hôm qua nghe nói vợ chồng chủ cơ sở chuồn im đi đâu mất để trốn nợ. Hơn chục cô công nhân mặt mày méo xẹo, khóc như ri, chơi vậy lấy tiền đâu mà ăn tết? Tiền công hơn tháng nay không có xu nào, giờ biết túm áo ai mà đòi? Thế là hết Tết sớm.
Cái chợ của phường nhỏ như nắm tay giờ cũng rộn rịp hẳn lên, mấy cậu làm nghề khuân vác hàng cho tiểu thương bình thường cư xử phải phép với nhau, nhưng vào tháng nầy lại chửi nhau nhoi trời. Họ giành nhau từng giỏ hàng, mặc kệ tay tổ trưởng đã sắp tài cho từng người, vì hàng họ giành là hàng đột xuất do các thương lái mới bổ về chuẩn bị bán Tết. Kiếm thêm đồng nào hay đồng đó, tháng nầy là tháng của gạo châu, củi quế mà! Mấy bà cô xách giỏ đi chợ, giờ đi thấy lâu hơn tưởng mua nhiều nhưng nào có phải vậy? xách giỏ đi tới đi lui, rồi trả giá, rồi lựa, rồi bỏ đi. Xong buổi chợ mua còn ít hơn ngày thường, bà nào cũng rên: giá cả gì mà lên phát ớn, chưa gì mà mắc như quỷ, tết không biết mắc ra làm sao? Mấy ông cũng không hơn gì, mới tháng rồi uống ly cafe đen có bốn ngàn, qua tháng nầy bị xin thêm một ngàn, chỉ biết chắc lưỡi rồi móc xỉa, không lẽ bỏ uống cafe?
Anh chàng chạy xe ôm đang than thở với người khách quen hằng ngày, anh ca cẩm chỉ để xin tăng thêm vài ngàn cho cuốc xe sắp chạy. Ông khách thì cự nự, hăm he kêu xe khác, nhất quyết không lên xe. Rồi không biết sao, cả hai cũng chạy đi mất.
Người cười toe toét là ông chủ hàng chạp phô, mấy ngày nay ông bán chạy hơn, nhất là mấy cái loại như đường, sữa, dầu ăn, mắm muối, gạo,... Dù sao thì người ta cũng phải ăn hằng ngày mà, đâu có nhịn đói được, rồi còn phải mua dự trữ cho tết tới, đề phòng tăng giá nữa chứ. Giá lên bán lên, giá xuống bán.... như hồi giá mới lên. Ai kêu thì kệ, ông cũng vẫn bỏ túi tiền lời, không lẽ bán lỗ? Hôm nay ông bổ hàng tết về, nên bận rộn hẳn hơn ngày thường, ráng cày thêm vài tuần rồi nghỉ xả hơi mấy ngày tết, xài cho bớt mớ tiền kiếm thêm trong mấy ngày nầy mới bỏ công chứ?
Trong công sở thì mấy người quê ở xa phải lo cái vụ vé xe về quê ăn tết từ bây giờ, mua sớm thì an tâm, tới giờ là xách gói lên đường. Còn mua trễ, sợ không có vé, nếu có thì bị chặt chém, thấp thỏm không biết giờ cuối ra sao. Năm rồi công ty phát tiền thưởng tết khá trễ, 27 tết mới phát mà năm đó lại chỉ có 29 mà không ba mươi. Mấy em quê xa mặt mày méo xẹo, chờ lãnh thưởng thì không có vé xe để về, có vé lại sợ về không kịp cúng cơm đón ông bà. Về sớm thì lại không có tiền, làm sao ăn tết? Đành mượn tiền mấy "con cá mập", chịu lời cắt cổ để mà về, qua tết vô lại lãnh thưởng trễ, xong ra mà trả cho người ta, khi không mất hết mớ tiền lảng nhách. Năm nay mửng đó lặp lại, chắc phải khóc tiếp?
Có mấy người có tiền, giờ là vui tết từ từ, chiều về ra siêu thị ngắm nghía chọn lựa mua trước mớ quần áo, giầy dép diện mấy ngày tết. Tuần sau kêu thợ tới sơn phết lại nhà cửa cho khang trang dưới ánh nắng mùa xuân, sau đó mới mua tiếp tới đồ ăn đồ uống, đãi đằng bạn bè.
Giàu, nghèo, sang, hèn gì ai ai cũng lo tết, có khác nhau là ăn tết lớn nhỏ mà thôi! Nhưng vẫn có những người không dám đón tết, mùa xuân không ghé qua bên họ, nên họ phải đi mót mùa xuân. Có thằng nhóc mồ côi cha, ngày nào người ta cũng thấy nó đi lục lọi thùng rác kể cả mấy ngày trước và sau tết. Năm rồi có người thương tình kêu nó vô nhà để cho nó ăn chén cơm trắng với thịt kho hột vịt và ít bánh mứt. Nghe nói, nó lễ phép từ chối vì bận đang làm việc (?), tranh thủ đi lượm mà, vì mấy ngày nầy người ta hay quăng ra mấy thứ rác có thể bán được tiền như vỏ lon, chai nhựa, giấy bìa carton,... Nhẩn nha ăn ở đây, người khác lượm hết rồi sao? Ngoài thị trấn, ở một góc phố nhỏ có những người ngồi trên lề đường chờ người ta kêu làm việc, có việc gì làm việc đó, dọn dẹp nhà cửa, khiên vác mớ đồ nặng, làm cỏ cho cái sân vườn hay dọn cống rảnh, v.v. Làm ngày có ngày không, cơm ngày hai bữa lo chưa xong thì lấy gì mà lo tết. Từ đây tới cuối năm, ngồi chờ mà khấn ông bà phù hộ cho có ai kêu việc gì để làm, giá nào cũng làm hòng kiếm ít tiền kho xoong thịt cúng ông bà. Còn bao nhiêu người nữa nghe đến Tết thì buồn? Ôi những người lượm mót mùa xuân!
Mùa xuân đang về khắp nơi rồi, nắng trưa như dịu hơn, gió chiều thổi nhè nhẹ mát lòng người. Bao người đang chung tay dệt lên mùa xuân rộn ràng với muôn màu muôn vẻ tươi thắm. Xuân có đến với mọi người không?
BQ - 23/01/2010
PHẢN HỒI
BQ - 23/01/2010
PHẢN HỒI
binhquan đã viết:
Xuân có đến với mọi người không?
Nàng Xuân dịu dàng đến với bất cứ ai. Ai cũng có thể rước nàng Xuân vào nhà với tấm lòng của mình, nàng chẳng kén chọn phân biệt giàu hay nghèo khó. Nàng Xuân là nắng ấm là gió mát bất cứ ai cũng được nàng hôn lên má. Nhà cao cửa rộng hay nhà hẹp cửa chật nàng đều cho cùng một hơi thở mùa xuân không khác gì nhau. Người bạn đời bên bạn chính là mùa xuân dịu êm, những đứa con bên bạn là hoa đào hoa mai ngày tết, những đứa cháu ngoan ngoản của bạn là chồi lộc đầu năm.
Tháng chạp( như chuyện kể trên) diển ra hằng ngày như thế là để có được nàng xuân ghé thăm, nhiều tiền hay ít tiền thì ai cũng đều có niềm vui phù hợp với hoàn cảnh của mình. Trong lòng thấy vui nghĩa là Xuân có trong ta.
Chúc bạn và tất cả người tôi quen biết đón Xuân thật nồng nàn nhé!
TT
TT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét