12 tháng 4, 2011

Bà con

Tôi có một người cô ruột, chị của ba tôi, cô mất đã lâu lắm rồi. Là dân Saigon, cô lấy chồng quê ở một vùng Nam Trung phần và theo chồng về đấy sinh sống.
Ngày cô qua đời chỉ có ba má tôi ra đưa đám cô mà thôi. Trong ký ức, tôi chỉ nhớ hình ảnh một người cô dáng nhỏ thó, ốm yếu, luôn bận hai cái áo bà ba dù trời nóng hay lạnh. Ngày xưa thỉnh thoảng cô một mình đi xe đò vào thăm ba tôi, rồi hai chị em đi thăm mồ mả ông bà nội tôi. Mổi lần cô vào thường đem theo chai nước mắm cùng ít cá khô làm quà cho gia đình, cô ở nhà ba má tôi chừng hai ngày là trở về. Từ ngày cô mất đi, ba tôi vẫn làm đám giỗ cho cô hằng năm. Ba tôi đôi khi nói: dòng họ mình đều ở Saigon, chỉ mỗi cô Hai tụi bây là phải xa xứ, một mình nằm ở ngoài đó không biết mấy đứa con cháu có chăm sóc mồ mả cho đàng hoàng không?

Rồi một năm, gần tới ngày giỗ cô, Ba tôi bảo: năm nay có mấy đứa con của cô Hai vô đây dự đám giỗ, mấy đứa chuẩn bị tiếp đón. Tôi thắc mắc ngoài đó cũng cúng giỗ cô, sao họ không ở mà lo cúng kiếng lại vô đây? Ba tôi bảo cái chính là họ muốn vào thăm người cậu của mình, một công đôi chuyện. Tôi chỉ biết rằng cô có cả chục người con cả trai lẫn gái, bây giờ họ đều lớn tuổi lắm rồi, đều có gia đình nhưng không biết mặt ai cả, không biết họ sẽ vào đây bao nhiêu người? Tôi mường tượng ra những rắc rối mà họ sẽ mang vào cái nhà nhỏ xíu của gia đình mình mà ngán ngược.

Buổi trưa ngày giỗ cô, tôi từ công ty về nhà và nhìn thấy những anh chị em bà con của mình ngồi đầy quanh bàn ăn. Có tất cả 4 người lớn, một người chị Hai cùng ba ông em là 4 người con lớn của cô Hai cùng 5 đứa nhỏ là con cái của các anh chị, đứa lớn nhất gần 30 tuổi và đứa nhỏ nhất khoảng 10 tuổi. Sau khi chào hỏi, tôi quan sát và nhận thấy tất cả họ đều có một điểm chung là nét mặt hao hao như nhau, da sạm đen nổi mốc, tóc cháy nắng đỏ hoe, tất cả đều vạm vỡ to bề ngang, chân tay gân guốc, to bè nức nẻ,....Không lấy ra được một nét gì giống bên ngoại hết. Tất cả vừa ăn vừa hỏi han tình cảnh của nhau, khó cho anh em tôi cái là giọng của những người bà con nói rất khó nghe, tiếng hiểu tiếng không, bởi vậy như hiểu ý, họ nói chậm lại. Ai cũng rổn rảng khi nói, khi cười, ăn uống rất khỏe, không câu nệ kiểu cách.... và tôi đã biết mặt mũi của những người bà con của mình. Tôi cố tìm kiếm coi có điểm chung nào của hai bên cho có vẻ dể nhận ra bà con nhưng vô ích, không lấy ra được gì hết, nội tiếng nói thôi cũng khác biệt rồi. Tên của từng người nghe cũng lạ, người chị lớn là Trớt, tới Lùn anh rồi Lùn em, kế nữa là Trích, những cái tên rặt quê mùa, chỉ có mấy đứa con là tên nghe hay như Tâm, Thủy, Dũng,... Tìm hiểu thêm mới biết gia đình cô tôi ngoài đó rất nghèo, sống chính bằng nghề làm muối, đánh cá gần bờ,.... Mà năm đó họ bảo thu nhập từ vài công ruộng muối được khoảng gần ba triệu một năm cho một nhà (mấy năm sau nầy nghe họ nói giá muối lên hơn gấp mười lần nên cuộc sống của họ giờ thoải mái hơn). Ăn uống xong cả nhà lo chuyện nghỉ ngơi cho những người bà con, vốn có chủ đích tôi đề nghị đưa tất cả đến một nhà nghỉ cách nhà hơn hai cây số và mướn cho họ hai phòng để nghỉ ngơi. Hôm sau vào đây chơi thì cứ nhẩy xe buýt có trạm ngay trước nhà nghỉ, thấy cũng tiện nên ba tôi đồng ý. Thế là mấy anh em tôi mỗi người một xe gắn máy thay phiên chở mọi người ra đấy, tôi bỏ tiền ra mướn hai phòng cho chín người, may là nhà nghỉ nầy củng ế ẩm nên họ cũng đồng ý cho mướn. 

Sáng sớm nghe tiếng kêu cửa, tiếng láo nháo, không biết sao, tất cả những người bà con trở vào nhà sớm quá vậy. Hỏi ra mới biết, họ nhất định không chịu ở tiếp ngoài nhà trọ, lý do: nhà trọ gì giống như bị giam lỏng (?), con nít không được chạy tới chạy lui, không được dòm ngó chỗ nầy chỗ nọ, khuya khó ngủ ra hành lang ngồi hút thuốc bị bảo vệ mời vô phòng, nói chuyện lớn tiếng bị nhắc nhở,... nên họ nhất quyết một là ở nhà cậu, chật chội cũng được miễn là thoải mái, bằng không thì đón xe về quê. Đành vậy chứ biết sao? Cả ngày ba tôi mệt đứ đừ vì mấy anh chị gọi ông bằng cậu, họ hỏi đủ thứ, rồi bắt tụi tui chở về Saigon thăm mấy người bà con. Buổi chiều bày tiệc nhậu, bà chị hai uống không thua gì mấy ông em. Đêm đến mỗi người nằm một góc nhà ngủ, cái giường dành cho khách để cho ba đứa cháu nhỏ nhất ngủ, nằm trong giường mà nghe tiếng họ ngáy vang khắp nơi trong nhà,.... Tôi thật tình mong họ sớm về, trả lại sự yên ắng cho ngôi nhà. 

Cũng đến lúc chia tay, ngày họ về chúng tôi gói một số quà gởi về quê cho các anh chị còn lại. Hôm trước tôi ra bến xe miền Đông mua vé sẵn, sáng ngày gọi một chiếc taxi 7 chỗ, dặn dò tài xế đưa họ đến nơi đến chốn. Tôi như trả bớt được món nợ, thấy nhẹ cả người. Về nhà nghe nhỏ em nói mất mấy món đồ chơi của đứa cháu, tôi lẩn thẩn đi kiểm tra lại coi có mất gì nữa không thì bị ba tôi la. Chắc là thằng nhóc nó khoái quá nên lấy mấy món đồ chơi đó thôi, con nít nhà quê nhìn thấy mấy món đồ chơi điện tử lạ quá nên nó ham, vả lại mấy món đó cháu tôi có chơi nữa đâu à? Quăng lăn lóc khắp nơi, nó tưởng bỏ nên nó lượm thôi, bỏ qua đi. Thật tình lúc đó tôi có những suy nghĩ không hay lắm vế những người bà con cô cậu của mình.

Năm sau, Ba tôi bảo ba anh em tôi sẽ đi cùng ông ra thăm mộ cô tôi ngoài đấy, ông lo là không đi sớm e rằng không có dịp ra sửa sang mồ mả chị mình. Ông quả là lo xa, ngoài đấy còn cả đống con cháu của cô mà? Ngày đi, bốn cha con mướn một chiếc xe du lịch 4 chỗ bon bon ra đấy. Quê chồng cô Hai nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Nhà cô nằm lọt giữa một làng chài ven biển, từ quốc lộ rẻ vào hướng ra biển khoảng hơn chục cây số. Đường vào làng là một con đường nhỏ trải nhựa lởm chởm phủ đầy cát biển. Hai bên là những cánh đồng muối được phân nhỏ thành từng ô bởi các con đê thấp. Ngôi làng nhìn từ xa với những mái nhà nhô lên thụt xuống lộn xộn, càng tới gần càng ngửi được mùi tanh của cá khô, mùi gió biển mằn mặn mát rượi, rồi nghe được cả tiếng sóng biển rì rầm, qua một khúc quanh biển bạt ngàn mênh mông chợt xuất hiện với những ngọn sóng vồ lên ghềnh đá. Làng như nằm lọt giửa một vũng nhỏ của đại dương, hai bên là núi, xa xa phía sau cũng một dải núi có mây mờ bao phủ trên đỉnh. Đây là nơi cô tôi sinh sống, sinh con đẻ cái rồi an nghỉ, giờ bọn tôi mới ra thăm người cô ruột không còn nữa.

Gia đình tôi tới ngay nhà mà ngày xưa vợ chồng cô dượng sinh sống, giờ thì người con trai thứ ba có tên Lùn anh ở đấy lo việc thờ phụng cha mẹ. Ngôi nhà nhỏ, mái ngói rêu phong, nền nhà lát gạch tàu màu đỏ cũ kỹ, giữa nhà là bàn thờ với di ảnh cô, dượng Hai. Tôi không ngờ nơi đây chúng tôi có quá nhiều người bà con. Đêm đầu tiên ba tôi ngồi để mà con cháu tới chào... đông nườm nượp, đếm không xuể. Ba tôi bảo không cần thiết phải kéo hết con cháu ra chào chi cho mắc công như vậy thì mấy anh chị con cô từ tốn thưa với ông rằng bên nội của họ người lớn đều mất hết cả rồi, người thì mất trong chiến tranh, người thì mất vì khi ra biển lên rừng kiếm sống, giờ chỉ còn một ông cậu duy nhất bên ngoại nên xin ông để con cháu ra chào cho đúng phép. "một giọt máu đào hơn ao nước lả" huống gì giọt máu nầy hiện giờ là trưởng lão của cả họ. Tôi không ngờ những người mà tôi đã từng không trọng vọng lắm lại nói một câu lễ nghĩa không chê vào đâu được. Những con người vốn dĩ ít được học hành vì lý do nầy nọ mà còn có suy nghĩ đúng đắn về bà con, còn mình thì.... Một thoáng mắc cỡ hiện ra trong tôi. Càng lúc tôi càng hổ thẹn thêm vì những suy nghĩ của mình về mối quan hệ bà con ruột rà đã qua. Điều đầu tiên là tất cả họ đều nghèo khó, nhà thì không có cả nhà tắm và toi lét, có nhu cầu thì cứ ra biển mà xả (?). Nước thì mỗi nhà xây một cái hồ xi măng hứng nước mưa, sáu tháng mưa hứng để dành xài cho sáu tháng không mưa. Nhà nào khá lắm thì có được cái tivi màu 19 inch cùng với một hai cây quạt máy để bàn, duy nhất là nhà anh Lùn anh có được một chiếc xe gắn máy do TQ sản xuất. Nghèo tiền nghèo bạc như vậy nhưng họ rất tốt về mặt tình cảm họ hàng. Ngay từ lúc mới ra, người nào đến chào Ba tôi đều cầm theo một món quà ra mắt. Có người mang theo con gà mái dầu, nói ông rằng gà ngoài đây thịt ăn rất ngon, dai không bở, cậu mang về saigon nấu cháo. Người mang theo vài con khô cá gì nhìn rất lạ, bảo đảm với tôi rằng trong Saigon không có khô cá nầy vì ngay đây nó cũng rất là hiếm. Có một chị nhà cách đó hơn hai cây số cũng lội bộ ra thăm ông ngay trong đêm đầu tiên. Chị mang theo một gói nylon nhỏ trong đó có một nắm khô của một giống sò. Chị thật tình kể loại sò nầy vùng biển nầy rất ít, một kg khô sò bán được hai trăm ngàn. Chồng và con trai chị làm nghề lặn dưới biển, hằng ngày hai cha con lên một chiếc ghe nhỏ gắn máy đuôi tôm. Cái máy kéo theo một cái bơm hơi nhỏ, khi cha ngậm ống hơi, đeo chì lặn xuống biển thì con trên ghe canh máy, hai cha con luân phiên nhau làm việc dưới đáy biển, mò được gì lượm cái đó lên bán. Thỉnh thoảng được vài con sò loại nầy đem về, chị đem phơi khô để dành, lâu ngày đủ ký lô thì đem bán, hôm nay nghe ông Cậu Saigon ra thăm, gom hết đem ra tặng. Cha con tôi không đành lòng nhận món quà mà công khó nhọc quá chừng như vậy, từ chối thì chị nài nỉ ông nhận món quà quê để chị giữ đúng chử Lễ. Còn nhiều việc tương tự như vậy nữa. Đêm đến anh chủ nhà lùa vợ, con qua nhà bà con ngủ để chừa cho cha con tôi mỗi người một giường, rồi còn chạy đâu mượn thêm mấy cây quạt máy để thổi mát cho dể ngủ. Qua hôm sau ra thăm mộ cô dượng, ấy là hai ngôi mộ đấp đất trên một vùng đất cao, giữa bạt ngàn lộng gió rì rào tiếng sóng biển. Tôi nhìn thấy tấm bia mộ của cô có cùng một họ với tôi giữa những tấm mộ khác họ. Sau đấy thì hết người nầy đến người khác mời cha con tôi đến thăm nhà cho biết, đi suốt cả buổi hết nhà nầy đến nhà nọ mà không hết. Đi trên những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, cát lún đến mắt cá chân mỏi muốn rụng giò, theo sau là cả chục người bà con dẫn đường, cứ như là quan lớn về làng. Ngày hôm đó, họ quyết định đãi cha con tôi ở nhà một người giàu nhất trong họ (giàu nhất với những nhà nghèo) và tất cả các thứ ngon vùng biển đều có trên mâm, cá, mực thật tươi và cả rau sống nữa (ngoài đây rau xanh là loại hàng xa xí phẩm). Biết bao nhiêu tấm thịnh tình không sao kể xiết. Sáng ngày thứ ba gia đình tôi lên xe về, cũng vậy luôn, có tới mấy chục người ra đưa tiễn. Quà quê chất đống, nào là nước mắm mà là nước mắm nhỉ hẳn hoi, có tới cả chục lít. Khô đủ loại có hằng chục bao nylon lớn nhỏ đựng khô rồi cả muối hột nữa. Ông anh bà con nói với tôi: Em đem về đâm muối ớt ăn mấy con gà mái dầu luộc khơi mới ngon, chứ trong đó anh thấy bán muối iot không à (?). Bịn rịn chia tay.

Trên đường về, tôi suy nghĩ thật nhiều về hai ngày qua. Bà con tuy quê mùa ít học nhưng họ cư xử thật tốt, đúng nghĩa. Còn anh em tôi, mới tiếp vài người một hai ngày lại thấy như gánh nặng, họ về thì mừng (?). Ra đến quê mới biết thế nào là lễ nghĩa cho kẻ thị dân có ăn học như mình, mới biết tình nghĩa bà con quan trọng thế nào, Nhưng không sao, biết sai để sửa là tốt rồi.
BQ - 05/7/2009
PHẢN HỒI
Bạn "bi kiu" mến !

Tôi mong ngày cuối tuần của tôi nhanh đến, cuối tuần được nghỉ ngơi rong chơi. Ngoài ra tôi có sự mong đợi của hai ngày cuối tuần trên trang web tanchau. Tôi biết cuối tuần bạn BQ sẻ xuất hiện. Tôi thích nghe những càm ràm của bạn, rất thật diễn ra hằng ngày chung quanh ta. Bạn không ngại nói thật, bạn biết mình có sai và bạn chịu sửa đổi. 

***
Những người BÀ CON của bạn đã làm tôi nhớ đến bà con của tôi. 
Nhà tôi luôn có khách quê lên ở nhờ, đưa con đi thi, nhiều nhất là đi tái (khám) bệnh, ngộ lắm nha mấy cô bác già họ ngoại của tôi. Mỗi khi lên khám bệnh rủ nhau đi khám cả đám :D . Cái cảnh nằm như cá mòi hơn chục người ở nhà tôi là thường như cơm bửa.( lúc đó sinh hoat nhà tôi xáo trộn lộn tùng phèo cả lên). Sau nầy có xe tốc hành nên bà con tôi không hay ở lại. Và ngày càng ít bà con ở lại như thời xe cộ khó khăn nữa. Nhờ vậy mà tôi cũng đở lăng xăng tiếp bà con, thấy khỏe ơi là khỏe ! 
Một thời gian lâu lắm, nhà tôi không có bà con ngủ lại nhà, rồi nghe bà con nào lên saigon có việc gì đó, xong việc rồi về ngay. Không có dư thời gian ghé qua, thế là tôi thấy buồn. Họ gọi điện thoại thăm tôi rằng:- về ngay cho kịp chuyến xe! rằng :- bỏ nhà cửa không ai trông! rằng:- về cắt lúa ... vui hơn là câu "bỏ mấy con heo hỏng ai coi "
Bây giờ ít ai làm phiền ai, tôi nghỉ bà con tôi không dám làm phiền tôi như trước kia. Còn tôi thì thấy mất mát một chút tình bà con thân thuộc, bởi không thường gặp nhau chuyện trò, tình cảm bà con không ít thì nhiều cũng nhạt.
Biết sao được, tôi chỉ có cách chịu khó "alo" thường xuyên, thì mới biết còn người nầy còn hay mất mà thôi. Đó là thế hệ của tôi, còn thế hệ của con tôi thì chưa biết tụi nó làm sao. 
Chúc bạn BQ ngày chủ nhật vui.
TT

Bản thân tôi cũng đang sống ở thành thị, nhưng gốc đặc sệt nhà quê nên còn lạ gì người lao động nghèo khổ ở nơi xa ánh sáng văn minh và sự tử tế của họ đối với người thành thị, rồi nhiều lần chứng kiến cảnh họ bị rẻ rúng khi lên chốn thị thành, nên tôi rất thấm thía sự thiệt thòi của họ trong xã hội.
Xin kể lại một chuyện nhỏ, có thật 100% tại phòng khám của 1 BVĐK tỉnh:

Cô bác sĩ hất hàm:
- Tên gì?
Người đàn ông đen đúa đang đứng sau xe đẩy của bà cụ ốm o, mệt mỏi, khoảng hơn 75 tuổi (chắc là mẹ anh ta), rụt rè trả lời:
- Dạ Nguyễn Văn Tèo...
Cô bác sĩ nạt:
- Bả kìa?
- Dạ... dạ... má tôi tên...
- Sao đem vô đây?
-...
- Từ hồi nào?
-...
Ôi giời!...
Ngồi đợi đến lượt khám của mình, tôi mong cô bác sĩ đó cũng giữ thái độ như vậy với tôi, tôi sẽ khều nhẹ cho cổ 1 câu cho đau điêng điếng chơi. Nhưng đến phiên tôi thì cổ dịu giọng lại: dù sao thì tôi cũng đang mặc cái áo dài (đang lên lớp, tôi sốt cao bất thường nên SV đưa tôi ra bịnh viện khám) và nãy giờ ánh mắt của tôi đã nói lên rất nhiều điều!

BQ ơi! Cỡ thế hệ của chúng ta mà đôi khi còn lỡ bực dọc chút chút như vậy, còn bọn trẻ bây giờ thì sao? Thường là chúng được no ấm, đầy đủ từ lúc nhỏ nên rất dễ có tính ích kỷ và thường đề cao cái tự do cá nhân của mình lắm. Có một gia đình nọ, người lớn (cỡ chúng ta) muốn cho con của bạn mình ở quê tá túc để học luyện thi 1 tháng vì nhà cửa cũng rộng rãi, nhưng con cái họ thì cương quyết không chịu. Chúng nói: "Con không muốn trong nhà có người lạ!"
Bởi vậy, tôi hay nghĩ: "Gia đình giàu có mà nuôi dạy con nên người (học hành giỏi giang, biết quan tâm đến người khác,...) thì đáng khâm phục hơn là gia đình nghèo khó gấp nhiều lần"
BD

Thứ Sáu vừa rồi đang ngồi "lướt mạng" (web surfing) thì phone ring, bên kia đầu dây là Cậu Năm Thiện. Nhưng dân Tân Châu mình thì gọi tên cậu là Được vì trùng tên với Ông Hai Thiện ngang ngôi nhà ngói đỏ. Cậu Năm là anh ruột của Cậu Út Khoắn, một cựu học sinh Tân Châu. Cậu Năm bảo là sẽ đến New York vào ngày Thứ Bảy và dặn tôi nếu có rảnh thì chạy đến thăm Cậu. Dĩ nhiên là phải rảnh rồi vì là cuối tuần mà, cho dù tôi không rảnh, nhưng đã là bà con thì tôi cũng phải nhín thì giờ đi thăm.

Sáng sớm chủ nhật, đang chuẩn bị lên dường đi thăm cậu thì đọc được bài "Bà Con" của ông bạn binhquan, thật là một sự trùng hợp rất hay. Đường đến nhà người cháu mà cậu đang thăm viếng cách khoảng 3 tiếng lái xe. Khi tôi đến thì bà con đã tề tựu đông đủ. Thật là một thích thú bất ngờ khi tôi khám phá ra một trong hai người cháu của cậu lại là bạn đồng ngũ của tôi ngày xưa. Thế là tôi mới vừa tìm được một chi nhánh "bà con" mới của xứ Cà Mau, quê của Ông Ngoại tôi. Cũng trong dịp nầy, tôi cũng có dịp hầu chuyện với Cậu Út Khoắn qua điện thoại

Mọi người cùng chung hưởng một ngày chủ nhật ăn uống ngoài trời với món thịt nai nướng và Heineken giải khát.
Hình ảnh

TCB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét