12 tháng 4, 2011

Ngã tư


Ai cũng phải từng đi qua một cái ngã tư, có khi mình lại có kỷ niệm với một cái ngã tư nào đó.
Tui thì không có kỷ niệm gì với cái ngã tư nào cả nhưng có một cái ngã tư để tui ngồi lê đôi mách, để thỉnh thoảng ngồi ngó dòng đời đang qua dưới cột đèn xanh đèn đỏ. Tui gọi đó là cái ngã tư "chào" vì ngày nào tui cũng phải chào 2 lần, sáng một lần, chiều một lần người tui phải chào là thằng bạn cũ thất nghiệp. Thất nghiệp nên xách xe gắn máy ra ngã tư, nó ngồi đó ngó ra đường kiếm khách, mình đi ngang ngày hai bận chào đủ hai lần. Chào riết mõi cái cổ, chào gần cả 5 năm mà nó vẫn chưa đổi được nghề, không biết còn phải chào nó đến chừng nào?

Thỉnh thoảng vào những ngày thứ bảy hay chủ nhật, quởn việc, tui thả bộ ra đó. Trước là tập thể dục cho "nhon" lại một chút, sau là hóng gió về ngang ngã tư gặp nó lại chào, rồi cùng nó ngồi ngó ra đường hóng chuyện. Bạn tui ngồi đây riết nên nó nhớ rõ ai là người quen của mình sẽ đi ngang đây vào giờ nầy. 

- Thằng A khoảng 6 giờ chiều đi ngang đây, bà B hơn chút nữa sẽ tới, chạy ngược chiều để về nhà. Con trai nhà ông Y cũng vậy, qua đây giờ đó, nó là chuyên gia vượt đèn đỏ, v.v...
Có khi đang nói chuyện nó chỉ cho tui dáng một nàng ăn mặc đồ sport sang trọng đang chạy bộ xa xa đang gần tới, rồi nói:
- Em kia lát tới đây là vụt bịt rác cho mầy coi, ngày nào cũng vậy.
Mà thiệt vậy, cô nàng vừa qua mặt tụi tui là nghe cái "bịch", một bao nylon căng nằm chình ình bên vệ đường. Cô nàng thảnh thơi chạy tiếp, coi trong mắt như hổng có ai? Hôm nay cũng vậy hai thằng tui nhìn thấy cô ta đang chạy từ xa, cả hai nín thinh và ngó cô ta chạy tới. Cặp giò dài đang sải bước, phía trước cô nhảy lưng tưng theo nhịp chạy....1...2...1...2 tui thầm đếm. Cô nàng chạy ngang qua mặt và ...không nghe cái "bịch", cả hai ngạc nhiên chưng hửng, tui gọi cô ta:
- Nè cô kia! bịch rác đâu???? 
Cô nàng quay lại nhìn và bỉu môi, giơ cái cù chỏ ra, chắc cô ta tưởng tui chọc ghẹo gì cô hay sao ấy? Có vậy thôi là tui với thằng bạn suy nghĩ căng đầu không hiểu tại sao cô ta không ném rác như thường lệ? Tui thì cho là cô ta vội nên quên, còn nó thì bảo chắc bỏ ở ngã tư trên rồi. Nói qua nói lại cuối cùng cả hai nhất trí rằng, dù cho cô ấy có xả rác hay không cũng không sao vì có người dọn rồi, miễn hồ là ngày ngày cô cứ chạy ngang đây để nó ngắm cặp đùi dài của cô là tốt rồi. Một lát sau thằng con nhà ông Y chạy gần tới, đèn đang đỏ, thấy nó rà thắng chạy chậm chậm, tui bảo:
- Ê! thằng nhóc nầy hôm nay không vượt đèn đỏ nha ông.
Thiệt vậy nó ngừng ngay vạch sơn trắng ngang đường, rồi.... loay hoay móc điện thoại ra nghe tỉnh bơ, cho dù đèn đã bật qua xanh, mặc người ở sau bóp kèn inh ỏi. Rồi nó cất điện thoại, xong rồ ga dọt, lúc đó đèn đang ...đỏ. Thằng bạn tui nhún vai cười khảy ra cái vẻ sành đời? Có lúc nó thành người phân xử khi có vụ va quẹt xe với nhau, hai người đàn ông chỉ quẹt nhau chút đỉnh. Họ ngừng lại ngay ngã tư, phùng mang trợn mắt cãi nhau, ai cũng cho phần phải về mình. Nó mà không can thiệp chắc hai người cãi nhau tới khuya quá. Nó bảo ai cũng có lỗi hết, chỉ cái lỗi của từng người, rồi kết luận "dĩ hòa di quý" "câu nhịn chín câu lành" và đường ai nấy đi, hết cãi. Còn bao nhiêu là chuyện xảy ra ở cái ngã tư nầy. Mấy hôm trước có người bị giựt đồ, nó tà lanh xách xe rượt theo tên giựt đồ, chưa kịp rượt còn bị người khác chửi vì quẹt trúng người ta, lần đó tui đóng vai người khách qua đường không quen biết ai hết, đứng ra phân xử và hòa giải?

Một hôm tui và nó ngồi chóc ngóc ngắm hoàng hôn ở ngã tư, nắng chiều tắt lịm cuối chân trời. Trong cái cảnh nhá nhem thấy có người phụ nữ vừa đi vừa khóc. Vốn là thằng tính tình tốt bụng, nó chận cô ta lại hỏi lý do sao mà khóc? Cô nàng nói trong nước mắt, lý do là ở quê mới lên tìm người thân gần đâu đây nhưng bị kẻ gian móc mất bịch tiền nên giờ không biết phải làm sao. Nó rần rần chửi trỏng không cái quân gian ác nào đã móc tiền của cô gái, rồi hỏi bị mất bao nhiêu tiền. Nghe ra chỉ hơn 100.000đ, nó móc trong túi ra tờ giấy chục ngàn nhàu nát rồi vuốt cho thẳng xong đưa cho cô gái rồi quay lại bảo tui:
- Ông cho ít tiền đi, năm ba chục gì đi, giúp người ta cái đi.
- Hả? - Tui chưng hửng hỏi lại. Tui vốn là thằng đầu có sạn, nên ít khi nào tui tin mấy vụ nầy lắm.
- Không thì ông cho tui mượn cũng được, hôm nào có tui trả lại.
Cho nó mượn mấy vụ nầy chắc khỏi dám đòi, rốt cuộc tui rặn ra đưa cho nó ba chục ngàn, bảo cho khỏi phải trả. Nó đưa tiền xong rồi bảo cô nàng lên xe để nó chở đi tìm nhà người thân mà không lấy tiền, bỏ tui đứng chóc ngóc ở ngã tư. Qua mấy ngày sau tui cự nự nó sao mà dễ tin người quá vậy, nó nghiêm nghị nói với tui.
- Tớ lăn chai ngoài đây nhiều, nên tớ biết ai xạo, ai thiệt, ông khỏi phải lo bị lừa.
Không biết rằng nó có đúng như vậy không nhưng cái cách cư xử của nó làm tui cũng phải phục nên im re. Bạn bè có người nầy người nọ, người thì may mắn giàu có, người bất hạnh thì khốn đốn nhưng bạn vẫn là bạn. Lâu lâu tụ tập lại được mấy thằng bạn ngày xưa cùng tắm mưa "cuổng trời", tụi tui chọc nó:
- Vái trời cho mầy kiếm được nghề khác, để đi ngang ngã tư không còn phải mỏi cổ vì phải chào mầy"
BQ - 01/8/2009
PHẢN HỒI

binhquan đã viết:
...Cô nàng chạy ngang qua mặt và ...không nghe cái "bịch", cả hai ngạc nhiên chưng hửng, tui gọi cô ta:


- Nè cô kia! bịch rác đâu????

1/ Tui cứ tưởng là có phép lạ nào đó đã biến người đẹp sport thành người khá hơn chớ!
Mắc cười chết đi thôi hai cái ông này! Tự nhiên cái đi hỏi thăm cái bịch rác của người ta! 
Mà thật là tiếc quá chừng! Phải chi cổ nghe rõ câu hỏi của "bi kiu" để bà con mình được nghe câu trả lời của cổ. 

Tặng "bi khiu" và những ai quan tâm đến... rác bài siêu tầm dưới đây:

Hai ông Tây, cơn mưa và bịch rác
Hà Nội. Chiều 13-7-2006, trời bất chợt đổ mưa. Tôi nép nhờ dưới mái hiên một phòng khám tư trên đường Triệu Quốc Đạt. Hai ông Tây cũng trú mưa như tôi dưới mái hiên nhỏ đầy giọt nước.
Cánh cửa phòng mạch chợt mở, hai cô gái mang áo blouse trắng thò đầu ra khỏi cửa, nghiêng ngó. Một cô tay xách theo bịch nilông đựng bên trong những hộp cơm, mấy vỏ chai không và giấy vụn. Chắc đó là sản phẩm còn lại của bữa ăn trưa tại văn phòng.
Hơn một giờ trôi qua, cơn mưa dường như vẫn không chịu dứt. Cô gái cầm bịch rác tần ngần, không biết bỏ vào đâu. Lát sau một cô bảo với bạn: “Ném ra đường cho nó trôi theo nước”.
Thế là bịch rác được ném cầu vồng ra lòng đường ngập nước. Bịch rác trôi lững lờ, đập vào bánh xe trước một chiếc xe gắn máy, dềnh lên và tiếp tục bị đè lút xuống nước dưới sức nặng của một chiếc ôtô. Sau đó bịch rác lại nổi lên, trôi dập dềnh rồi tấp chặt vào miệng một cửa hố ga thoát nước. Ném xong bịch rác, hai cô gái đứng bá vai nhau nhìn mưa cười rúc rích. Ông Tây to cao đứng cạnh tôi nhún vai, nhìn theo bịch rác và nhìn vào hai cô gái.
Ông Tây kia có dáng người nhỏ nhắn hơn, chỉ tay qua phía bên kia đường, nói bập bẹ bằng tiếng Việt: “Bỏ rác...”. Tôi nhìn theo tay ông, bên kia đường, trước cửa Bệnh viện Phụ sản T.Ư, một tốp công nhân vệ sinh đang miệt mài thu dọn rác trong cơn mưa tầm tã. Ông Tây nhỏ quay sang hai cô gái, chỉ tay vào bịch rác nơi miệng cống, rồi chỉ ra chỗ mấy công nhân vệ sinh, giơ hai tay làm động tác đo và nói bập bẹ: “Qua... gần... gần!”.
Cơn mưa chợt dịu hạt. Ông Tây to đội tờ báo lên đầu, chạy ra túm lấy bịch rác, lội qua dòng nước chảy lênh láng trên mặt đường và liệng vào thùng rác mà chiếc xe ép rác đang câu lên thùng xe. Về lại chỗ trú mưa, ông nhìn tôi, nhìn hai cô gái đang đứng trố mắt ra, ông vừa nói vừa ra dấu cho chúng tôi hiểu: “Nước... tắc...”.
Tôi chỉ còn kịp duy nhất một phản xạ: xấu hổ.
Nguyen Tan st
2/ Xa quê huơng 6 năm trời, lần về thăm quê virus thấy đường phố giờ sạch rác hơn xưa rất là nhiều. Những con đường lớn saigon có đặt những thùng rác công cộng, một sự tiến bộ nhắc nhở sự ý thức của mọi người bằng hình thức để ngay trước mắt. Tuy vậy vẫn con rất nhiều người tiện tay vứt rác ra đường. Có một chuyện mà virus tức cười đã gặp ở bải đổ xe siêu thị. Một đứa bé trai độ chừng 4 tuổi mặt kháu khỉnh ngồi sau người mẹ đang chờ tới lượt nhân viên soát vé cho xe ra. Lúc ấy bé bóc cái kẹo bỏ nhanh vào mồm, tay vo viên giấy gói kẹo lại cầm trên tay vội ôm lấy mẹ đang sắp cho xe chạy. Người mẹ gắt : vứt đi! đứa bé lắc đầu:-không!mẹ nói thêm lần nữa, bé nói:- không xả rác! không xã rác! và giữ khư khư lấy viên giấy kẹo.

Virus thấy bé thật ngoan, đáng yêu và có ý thức hơn cả người lớn. có lẻ bé học sự ý thức đó từ trường mẫu giáo.
Virus

3/ Cũng cái ngã tư đó mà tôi nhìn thấy bao chuyện vui buồn. Có ngày, sáng ra thấy có ba cô gái trẻ ngồi xổm trên lề đường bày bán rổ bánh cam, cái loại bánh mà hồi nhỏ thỉnh thoảng mình có ăn. Nhìn một cái biết ngay là lính mới, mới là mới ra nghề buôn bán, khỏi nói tui cũng biết là ba cô công nhân mới thất nghiệp vì xí nghiệp không có đơn đặt hàng. Nhìn ba cô ngượng ngập lúng túng khi tìm cách mời người qua đường mua bánh, tôi bất giác tội nghiệp. Con người sao mà bé nhỏ quá, mong manh quá trước khó khăn cuộc sống. Ngày hôm qua còn có việc làm, còn lãnh được chút đỉnh đồng lương còm cõi để trang trải cuộc sống. Vậy mà đùng một cái, hôm nay bị thảy ra đường vì xí nghiệp hết việc, giải thích thế nào đây? Mấy cái từ đao to búa lớn như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trượt giá vì ba cái ngân hàng ở đâu đâu bên xứ Mỹ xa xôi nào đó bị sụp đổ, v.v... nghe sao mà xa lạ, khó hiểu quá với những con người nhỏ bé nầy? Những người mở mắt ra là thấy cái nghèo ngay trước mắt, bạn bè nằm chen nhau như cá hộp trong cái phòng trọ tồi tàn nhỏ như cái hộp diêm. Người nằm ngủ kề bên cái nhà tắm cũng là cái cầu tiêu, nằm kề bên ngay cái bếp lò sô với một hai cái nồi trống rỗng, quần áo treo lủ khủ trên đầu. Giờ thì họ đang ngơ ngác xoay trở hòng kiếm lấy một nghề mới để mưu sinh ngay ngã tư nầy. Sáng thì thấy vậy chiều về thấy rổ bánh có ít đi nhưng sao mà nó khô khan quặt quẹo, chắc chắn rằng đêm nay ba cô ăn bánh cam mà trừ cơm. Thằng bạn tôi cũng vậy, nó thở dài khi nghe người ta sắp mở tuyến xe buýt mới, có xe bus là dân xe ôm ngồi ngáp dài. Nó ngán ngẫm khi nghe nói xăng sắp tăng giá, mừng hết lớn khi mua kịp hai lít xăng trước khi giá xăng tăng. Có lẽ với ai thêm 500 hay 1 ngàn cho 1 lít xăng không là cái gì cả nhưng với nó thì không, điếu thuốc trị giá 200đ nó hút phân nửa, dụi cất phân nửa một lát hút tiếp thì nói gì tới cả ngàn.

Vào mùa trái cây nào là tui biết hết chỉ cần ra tới ngã tư nầy. Mùa trái thanh long nở rộ, trái to ngon đưa đi xuất khẩu, vào siêu thị hay nhà lồng chợ, còn loại trái nhỏ không ngon được người ta bỏ trong những cái giỏ nhỏ chở bằng xe đạp và ra đứng bán ở ngã tư nầy. Rồi thì măng cụt nhỏ như trái quýt đèo, cam, quýt, v.v... mùa nào thì đội ngũ những người bán dạo đều đem ra ngã tư nầy bày bán. Cây cột đèn xanh đèn đỏ nầy có lẽ là kẻ nhìn được nhiều tấn trò đời ở đây nhiều nhất. Cái cảnh người ta lo chạy trốn khi bị các nhân viên có trách nhiệm dọn dẹp đường phố rượt đuổi người bán dạo, trái cây văng tung tóe trên đường, trên thùng xe tải vì bị khiên quăng cả chiếc xe đạp lẫn giỏ hàng lên xe. Cái cảnh mấy người bán dạo mắt mũi tèm nhèm khóc lóc năn nỉ xin tha khi bị tịch thu hàng. Có hôm tôi nhìn thấy một ông ngồi khóc hu hu như con nít bên vệ đường vì mới bị xe công an hốt cả xe đạp lẫn giỏ măng cụt, mấy đứa con nít đi học về tò mò đứng coi như coi kịch.

Dòng đời lăn như cái bánh xe cứ lăn đều qua ngã tư, ai khó khăn thì cứ khó khăn, ai rượt bắt thì cứ rượt bắt, còn ai bán cứ bán. Hôm nay trắng tay nhưng biết đâu ngày mai khá hơn? Vì vậy mà họ không bỏ cái ngã tư nầy mà đi nơi khác vì họ vẫn còn hy vọng vào ngày mai. Còn sức thì còn làm, có thất bại thì phải có thành công, còn chỗ mà bám víu. Người cũ đi thì có người mới lấp vào vì người nghèo thì không bao giờ hết, nếu như bạn tôi đổi nghề thì cá bao nhiêu tôi cũng cá là sẽ có người khác xách xe ra đứng ngay cái chỗ mà mới ngày hôm qua nó còn đứng. BQ
4/ Một mình, một máy giữa đêm khuya, lắng nghe "bản giao hưởng đồng quê" buồn não nuột, rồi vào đây đọc kỹ lại bài này, HH lại thấy lòng mình... (hổng biết nói làm sao nữa!)
BQ quả là có con mắt quan sát cuộc đời thật tinh tế và có tấm lòng nhân hậu! Thật tiếc một điều là...
Nhưng thôi BQ ơi! HH cũng như BQ, cũng như nhiều người khác, mỗi chúng ta chỉ là một con người bình thường, ở một cương vị bình thường khiêm tốn, ráng sống cho xứng đáng với với tên gọi "Con Người", không vỗ ngực "ta đây là người có đạo đức" nhưng cũng ráng không làm điều gì hại người khác để phải xấu hổ với lương tâm. Như vậy là ta ít nhứt cũng không làm cuộc sống này tệ hại đi, vậy cũng mừng?

Nghe BQ nói về những con người khốn khổ vì chuyện mưu sinh, chắc ai cũng nhớ đến những cảnh người ta tiêu xài phung phí và không nén nổi tiếng thở dài ngao ngán? Nhưng ông bà mình đã có câu "Kẻ ăn không hết, người lần không ra" thì những bất phương trình của cuộc sống cũng đâu có gì là lạ, phải hông BQ và bà con?
HH lại nhớ, có ai đó đã nói rằng chỉ khi nào tầm mắt, suy nghĩ của mỗi cá nhân vượt ra khỏi bản thân, gia đình, làng xóm,.. của mình để hướng đến những phạm vi rộng lớn hơn thì khi đó đời sống của cộng đồng, của xã hội mới phát triển. Một anh xe ôm như bạn của BQ mà quan tâm, bức xúc trước cảnh người ta vô tư quăng rác ra đường, xắn tay áo làm Bao Công xử án miễn phí,... như vậy thì HH và mọi người có quyền lạc quan nghĩ đến viễn cảnh sáng sủa của xã hội này. 
Đúng hông BQ và bà con?

Hoài Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét