12 tháng 2, 2011

Niềm vu vơ với mùa Xuân

Mùa xuân đang lan tỏa khắp phố phường, 23 tháng chạp ông Táo về Trời rồi còn gì nữa. Với mình Tết chỉ vui
từ ngày nầy đến đêm 30 Giao thừa mà thôi! Mùng 1 trở đi hết vui.
Sáng nay ngồi uống cà phê ngắm chợ Tết của phường, gọi là chợ Tết không sai chút nào vì ngày thường làm gì có cái chợ nầy với những loại hàng hóa mà nhìn vào là biết Tết đến rồi. Người ta dựng những cái rạp lấn ra hơn nửa mặt đường và bày trong đó nào là dưa hấu xanh, sọc, vàng, trái tròn trái ovan lớn nhỏ vừa vừa đủ cỡ. Hàng kế bên là đủ loại mứt đựng trong các hủ lớn, trong những khai vuông với các màu sắc bắt mắt. Rồi nào là bánh, trà, rượu, trái cây, hoa kiểng giả, thật, vô số loại thực phẩm được gói bởi bao bì màu sắc rực rỡ mời chào. Cả dải chợ dài với trên dưới 20 sạp hàng, họ í ới mời khách, í ới trả giá, í ới coi hàng nhưng không mua...Tất cả hợp lại trở thành một bức tranh sống động đặc trưng của Tết. 
Phóng tầm mắt nhìn ra phía đầu đường thấy những chiếc xe tải nhỏ đang lần lượt đổ hàng xuống thêm. Ngày nầy đặc biệt người bán tuy vẫn trông khách nhưng không bán hàng khi khách trả giá nhiều. Họ chỉ bán theo giá của mình, vì thế phần đông khách mua thời điểm nầy là người khá giả. Hỏi giá xong lựa hàng rồi móc xỉa không cần biết mua mắc hay rẻ. Người nghèo đứng nhìn dọ giá rồi tính toán nên mua lúc nào để được hàng ngon giá rẻ. Có nhiều người chờ đến trưa 30 mới ra mua, vớt hàng dội chợ về ăn Tết.

Tôi đang nấn ná ngồi chờ một kỷ niệm hay một hình ảnh mà chỉ tới vào ngày nầy hằng năm. Tôi cố tình ngồi ngay trên khoảng trống vỉa hè trước quán cà phê mà theo thông lệ luật bất thành văn sẽ là của người ấy thời điểm nầy. Nỗi chờ mong rồi cũng tới, tôi nhận ra hai ông cháu thấp thoáng trong đám đông ở đầu đường. Tôi cười nhẹ nhàng, hình ảnh thân quen của mình vẫn còn đó, vẫn mạnh khoẻ và vẫn tiếp tục chuẩn bị kiếm tiền xài Tết. Tôi vờ như không thấy khi họ tới gần, qua đuôi mắt thấy người ông đang bước vào chào chủ quán còn đứa cháu trai thì đứng ngay sau lưng tôi loay hoay bỏ ít đồ đạt xuống.
Họ là hai ông cháu, không biết ở đâu mà đã hơn 10 năm nay. Cứ tới ngày 23 ông Táo về trời là họ đến đây ngay chỗ tôi đang ngồi để hành nghề mưu sinh ngày Tết. Họ ở đây vào buổi sáng cho đến tối, bán những câu đối Tết viết theo kiểu thư pháp trên những tấm vải hay giấy màu vàng, trắng, đỏ hình chữ nhật. Họ bán những bao giấy đỏ lì xì, những tấm bùa đem lại may mắn mà ông già đã bảo là thỉnh từ một ngôi chùa trên một ngọn núi xa xôi nào đó. Còn nhiều hàng khác nữa nhưng chỉ gói gọn trên một mét vuông nầy thôi. Nào là tấm thẻ đỏ vàng ghi những câu chúc Tết có tua ren đỏ vàng, rồi giấy tiền vàng bạc bảo đảm không đụng hàng mà chỉ ông mới có. Ông bán cả kiến thức tư vấn về phong tục, cách cúng kiếng cho các tục lệ đưa ông Táo, đón giao thừa hay cúng mâm cơm cho ông bà ngày Tết mà những người dân phố chợ ngày càng mai một đi. Thêm nữa là ông lấy thẻ tử vi đoán chuyện tương lai, hên xui may rủi, phần đông khách hàng là quý bà quý cô. Mảng nầy có vẻ ông làm ăn khấm khá nhất. Rồi ông diễn giải ý nghĩa của các câu đối hay tư vấn cho người nên đem câu nào treo trong nhà v.v...
Đứa cháu trai năm nay nhìn lớn bộn, có lẽ nó cũng gần hai mươi tuổi rồi. Nhớ ngày nào mới gặp, nó bé xíu hiền queo nhút nhát. Ông kêu gì làm đó, có năm nó ngồi nhìn ngắm say mê gian hàng bán quần áo Tết mà quên cả ông Nội. Đến khi bị la nó mới hoảng hồn về với thực tại, không biết năm đó nó có được ông sắm cho bộ cánh Tết nào không.
- Chú ơi! cho cháu xin chỗ chút được không? Thằng nhóc lí nhí sau lưng tôi.

- Dĩ nhiên! Tôi nhăn răng cười với nó và xách ly đứng dậy trả chỗ cho hai người.
Năm nào tôi cũng vậy, cố tình chiếm chỗ rồi chờ để trả chỗ, ra ngồi phía sau coi hai ông cháu làm ăn. Chán rồi về hôm sau ra tiếp cho đến trưa 30 cả hai cuốn tượng hẹn năm sau tái ngộ. Ông già đang vào chào xã giao chủ quán và chắc cũng như mọi năm, ông tặng chủ nhà ít quà lấy lệ để xin ngồi trước cửa quán mấy ngày nầy kiếm sống. Quà thường là chai nước mắm ngon, kèm theo lá bùa dán trước cửa đuổi tà ma mấy ngày Tết. Tôi và chủ quán đều trông ngóng ông vào ngày nầy, nếu như không thấy có lẽ ai cũng buồn? Chúng tôi thở phào khi thấy cả hai đến trước ngưỡng cửa? Lạ lùng thật, đôi khi ta có thể vui hay buồn vì người không quen?
Nhìn thấy mùa Xuân đang về ai lại không vui? Từ già đến trẻ, giàu hay nghèo ai cũng yêu mến mùa Xuân. Mùa Xuân mùa của đơm hoa kết trái, mùa của lòng yêu thương bao bọc. Tôi dẹp đi nỗi ưu phiền nếu có, để nhẹ nhàng chào đón mùa Xuân, tận hưởng hạnh phúc mình đang có vì mùa Xuân sẽ đi không chờ ta như ta bỏ lỡ. Không thể nào hẹn đến Xuân sau mà phải ngay từ bây giờ lên lịch vui Xuân thôi! Mình vốn là người ham vui mà!
Chủ nhật, ngày 19/01/2009 (23 Tết Kỷ Sửu)
PHẢN HỒI
1/Chời ơi .giờ lại biết thêm về BQ : già mà ham ....vui đó nha.
Cãm ơn về bài viết rất Kung fu ,trong những ngày cận tết rất bận rộn này đó nha .chiến hữu thân mến của tôi ơi .

SKN

2/Cảm ơn BQ đã cho mình thấy lại một vài giây phút Tết quê nhà. Bên nầy thì rất lạnh và đang đỗ tuyết ngoài kia, không có chút gì gọi là Tết. BQ làm tôi nhớ lại "Câu Chuyện Bát Mì" của phuchau giới thiệu, rất hay và rất tình nghĩa.
Đây là cảnh ngoài trời NGV mới chớp một phát đem vào cho mọi người xem


Hình ảnh
TCB
3/Giời ôi! Tôi phát hiện ra thêm một cây bút tả cảnh, tả tình hết sẩy con cào cào luôn!
Tới luôn đi em binhquan yêu quấu! :clap: 

ỪƯưmmmmm, nói "hết sẩy con cào cào" tôi lại nhớ đến Nhậu Chi: nổi lên hớp được một hơi lại lặn tiếp nữa rồi! Công nhận cái ông này hơi dài thiệt!
Bớ Nhậu Chi....! 

Thấy cái hình trên, tôi chép miệng: "Thiệt là kẻ ăn không hết, người lần hổng ra!"
Mấy hôm trước, ở đây trời lạnh lắm-cái lạnh hiếm có của miền Nam ấy mà. Các cô, các bà có dịp tuôn ra hết những cái áo ấm, những khăn quàng cổ đẹp đẽ, mô-đen để "khoe" chứ thật sự nhằm nhò gì với cái lạnh ở trời Tây! 
Hôm qua, sáng hơi lạnh tí, từ chín mười giờ trở đi là phải mở quạt mới chịu nổi!
Nếu được, những người ở đây sẵn sàng gởi cả "một trời" nắng ấm của VN đến các bà con xa xứ đó!

Nói chiện lạnh, tôi lại nhớ một kỷ niệm:
Khoảng năm 1997, do ảnh hưởng một cơn bão đặc biệt ở miền Trung nên ở miền Nam cực kỳ lạnh-lạnh hơn bao giờ hết! Lúc đó tôi đang đi dạy ở trung tâm GDTX của một huyện. Đó là huyện nghèo nhất tỉnh nên cơ sở vật chất, phòng ốc rất thiếu thốn. Phòng học được cất choi loi giữa ruộng, nền gạch Tàu, mái lá, vách là mặt khại (mắt cáo) bằng tre nên bốn bề gió lộng. Đang dạy, nhìn xuống các em, tôi thấy đứa nào cũng run cầm cập, môi thì tím lịm. Mấy đứa con gái còn đỡ vì còn biết lo mặc áo ấm; mấy đứa con trai thì đa số là phong phanh có chiếc áo sơ mi (y hệt thằng con nhỏ của tôi-không bao giờ chịu mặc áo ấm!), lúc đó chúng mới "biết đá biết vàng"! Thấy mấy em trai co ro ngồi chồm hỗm tay bó gối-một tư thế không thể chấp nhận được lúc bình thường, tôi phì cười hỏi:
Mấy em lạnh lắm hở? Sao cô thấy đâu có lạnh lắm?
Tụi nó nhao nhao:
Cô ơi! Cô mặc tới bốn cái áo lận, làm sao mà lạnh được!
Tôi nhìn xuống người: "Trời đất! Mình chơi tới bốn cái áo ư? À, đúng rồi!" Hồi sáng, do quá lạnh nên nên tôi không nỡ thay ra cái áo đang mặc mà mặc chồng thêm cái áo lên lớp ở ngoài rồi thêm cái áo ấm ở ngoài nữa. Thấy vẫn chưa thấm thía, tôi chồng đại thêm cái áo đi mưa loại đồ bộ nữa! Hết biết luôn! :mozilla_tongueout:
NGOC LA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét